A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung
www.tudieu.de

10 Xả

  1. Lục nhập xả (chabaṅgupekkhā) nghĩa là 6 cảnh và 6 phù căn đối chiếu nhau của bực tứ quả, lúc nào cũng như lúc nấy chẳng vì cảnh chuyển phải bi quan hay lạc quan, chi pháp tức là sở hữu hành xả hay là trung bình (tattaramattatā).
  2. Vô lượng xả (brahmavihārupekkhā) nghĩa là đối với tất cả chúng sanh dù ai bị khổ, hưởng vui vẫn coi như thường chớ không buồn giùm, không vui theo. Vì nhận rõ nhân, quả tốt xấu như hột nào trái nấy là lẽ thường nhiên. Chi pháp tức là sở hữu hành xả hay trung bình.
  3. Xả giác chi (bojjhaṅgupekkhā) nghĩa là trung bình như thường đối với pháp đồng sanh trong những giác chi khác; tức là sở hữu hành xả hay trung bình.
  4. Cần xả (viriyupekkhā) nghĩa là cố gắng bằng cách trung bình hay trung đạo không thái quá và không bất cập như dây đờn không quá thẳng, cũng chẳng quá dùn. Chi pháp tức là sở hữu cần.
  5. Hành vi xả (saṅkhārupekkhā) nghĩa là trí tuệ tỏ ngộ thấy pháp hành vi danh, sắc. Vì thấy cũng như thấy, chớ chẳng nghĩ sự đối với danh, sắc ra sao của bực tu tuệ cao. Chi pháp tức là sở hữu trí.
  6. Thọ xả (vedanupekkhā) tức là ngoài ra khổ, lạc, ưu, hỷ cũng thuộc về sở hữu thọ.
  7. Quán xả (vipassanupekkhā) nghĩa là đắc tuệ thấy vô thường hoặc khổ não hay vô ngã, vẫn coi như thường của bực tu tuệ cao, chi pháp là sở hữu trí.
  8. Trung bình xả (tattaramajjhattupekkhā) nghĩa là trạng thái làm cho các pháp đồng sanh điều hòa không so le, chi pháp là sở hữu hành xả hay trung bình (tattaramajjhattatā).
  9. Thiền xả (jhānupekkhā) nghĩa là bỏ ra hỷ, lạc của các bực thiền thọ hỷ (từ sơ thiền đến tứ thiền) tức là chi xả của ngũ thiền, chi pháp cũng là sở hữu hành xả.
  10. Tịnh xả (pārisuddhupekkhā) nghĩa là đối với pháp oái niệm (palibodha - xem phần dưới đây) vẫn như thường, chẳng bận bịu chi cả, chi pháp là sở hữu hành xả.

Trích Bản giải Siêu lý tiểu học

Thập Oái Niệm
(palibodha)

  1. Oái niệm sở cư (āvsapalibodha )là phải lo do chỗ ở.
  2. Oái niệm thân ái (kulapalibodha) là phải lo hay bận bịu với người thân mến.
  3. Oái niệm lợi lộc (lābhapalibodha) là hằng quan tâm với sự lợi lộc.
  4. Oái niệm đồng cư (ganapalibodha) là bận lòng với kẻ ở chung.
  5. Oái niệm nghiệp (kammapalibodha) là bận lòng với nghề nghiệp hay phận sự.
  6. Oái niệm diễn hành (atthānapalibodha) là bận lo tính việc đi xa.
  7. Oái niệm thân tộc (natipalibodha) là bận lo bà con dòng giống.
  8. Oái niệm tật bệnh (ābādhabodha) là bận lo việc đau ốm.
  9. Oái niệm học vấn (ganthapalibodha) là bận lòng với sự học hay nghiên cứu.
  10. Oái niệm thần thông (itthipalibodha) là có thần thông phải bận lòng trau giồi.

10 Tùy phiền não
(vipassanūpakkilesa)

Hành giả tu Tuệ quán đến giai đoạn Đạo Phi Đạo tri Kiến Tịnh (maggāmaggañāṇa dassanavisuddhi) luôn phải trải qua một cám dỗ rất lớn, nếu thiếu duyên khó mà vượt qua, đó chính là 10 Tùy phiền não (vipassanūpakkilesa). Gọi là Tùy phiền não là bởi chúng có thể trở thành chướng ngại cho sự tiến bộ của hành giả.
  1. Hào Quang (obhāsa): Có người vào thời điểm này thấy thân mình tự nhiên phát sáng hoặc trở nên trong suốt như pha lê. Người kém duyên sẽ tưởng đó là một sự chứng ngộ ghê gớm nào đó. Thực ra đây chỉ là một chuyện rất tự nhiên khi nội tâm một người đạt tới sự chuyển đổi quá lớn.
  2. Phỉ Lạc (pīti): Có người bổng nhiên cảm nhận được một niềm vui mà từ bé đến giờ chưa từng biết qua.
  3. Sự Yên Tĩnh của Thân Tâm (passaddhi): Có người như nghe được những chuyển động vi tế nhất của Thân Tâm bởi lúc đó mọi thứ ở họ như đang trong trạng thái vắng lặng đến tột cùng.
  4. Thuần Tín (adhimokkha): Có người ở giai đoạn này cứ tưởng mình đã là Sơ quả khi niềm tin nơi Tam Bảo bổng dưng trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Họ như thấy Đức Phật ngay trước mặt và dám chết vì ngài.
  5. Dõng Mãnh (paggāha): Có người lúc này thấy việc lành nào cũng dễ như trở bàn tay, dù thật ra nó quá sức họ. Hành giả lúc này làm việc không biết mệt. Tâm trạng này cũng có thể khiến hành giả ngộ nhận mình đã là thánh nhân, vì từ bé đến nay chưa bao giờ trải qua một kinh nghiệm đặc biệt như vậy.
  6. Sự Tịnh Lạc (sukha): Có người ở giai đoạn này nghe được trong cả thân tâm một niềm hạnh phúc vô bờ bến không thể diễn tả, một sự dễ chịu mà không một dục lạc nào có thể đem lại. Nhờ vậy hành giả có những thứ sắc tâm chưa từng có bao giờ: Thanh thản, nhẹ nhàng và thanh tịnh.
  7. Sáng Trí (ñāṇa): Có người ở giai đoạn này thấy mình như trở thành một người khác, bổng nhiên hiểu ra những điều xưa giờ bế tắc hoặc chưa từng nghĩ đến. Đây là chuyện tốt nhưng cũng là cái bẫy cho hành giả kém duyên tưởng mình đã đắc thánh.
  8. Chánh Niệm (upaṭṭhāna): Ở giai đoạn này hành giả như sống 100% với chánh niệm, trong khi trước đây một giờ chánh niệm liên tục đã là rất khó, bây giờ bao lâu cũng được và rất dễ dàng, thậm chí vững mạnh hơn xưa rất nhiều lần.
  9. Xả Tâm (upekkhā): Chi pháp căn bản ở đây là tâm sở Hành Xả và tâm sở Tư trong tâm Khai ý môn. Ở giai đoạn này, có người thì thấy tâm trạng nổi bật của mình là sự thanh thản không vui hay buồn, thương ghét đối với bất cứ trần cảnh nào, dầu người hay vật. Cảm giác đó giống như ở một bậc thánh không còn Sân tâm hay Dục ái nữa, nghĩa là không vui chẵng buồn, không thích hay ghét.
  10. Pháp Ái (nikanti): Là sự ham thích, đam mê với những thành tựu tiến bộ của mình trong pháp môn Tuệ quán qua các Tùy phiền não.

Trong 10 Tùy phiền não vừa kể chỉ có điều cuối cùng mới là phiền não mà thôi. 9 điều trước (trừ hào quang là pháp Vô Ký) đều là thiện pháp cả. Nhưng sở dĩ gọi là Tùy phiền não vì chúng là những cạm bẫy cho người thiếu duyên tưởng mình đã là thánh nhân. 10 Tùy phiền não lúc này là cơ hội cho 3 phiền não Mạn, Ái, Kiến. Với người hữu duyên đắc thánh trí thì cả 10 Tùy phiền não chỉ là cảnh phù du trong giai đoạn nhất thời mà thôi. Họ biết rõ cảnh Danh Sắc sanh diệt mới là điều cần lưu tâm, cái gì ngoài ra cũng không cần thiết để vướng mắc. Đó là vì sao giai đoạn này được gọi là Đạo phi đạo tri kiến tịnh, tức là trí biết rõ cái gì giả, cái gì thật.

Trích Triết học A Tỳ Đàm


A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung

© www.tudieu.de