A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung
www.tudieu.de

Tám Thắng Xứ

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Tám Thắng xứ.

Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc, có hạn lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng. "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy", đó là thắng xứ thứ nhất.

Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy", đó là thắng xứ thứ hai.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy", đó là thắng xứ thứ ba.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy", đó là thắng xứ thứ tư.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh... như bông gai màu xanh, sắc màu xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh... như lụa Ba la nại, cả hai mặt láng trơn, màu xanh, sắc màu xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Vị ấy nhận thức rằng: "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta thấy, ta biết", đó là thắng xứ thứ năm.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng... như bông Kanikara màu vàng, sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng... như lụa Ba la nại, cả hai mặt láng trơn màu vàng, sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng, vị ấy nhận thức rằng: "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy", đó là thắng xứ thứ sáu.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, hình sắc màu đỏ, ánh sáng đỏ... như bông Bandhujivaka màu đỏ, sắc màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ... như lụa Ba la nại, cả hai mặt láng trơn màu đỏ, sắc màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ, vị ấy nhận thức rằng: "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy", đó là thắng xứ thứ bảy.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng... như sao mai Osadhi màu trắng, sắc màu trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng... như lụa Ba la nại, cả hai mặt láng trơn màu trắng, sắc màu trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Vị ấy nhận thức rằng: "Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy", đó là thắng xứ thứ tám.

Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí, và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya - 77. Ðại kinh Sakuludàyi (Mahàsakuludàyin sutta)


Những pháp này gọi là Thắng xứ vì chúng vượt lên trên các pháp đối nghịch và các đối tượng, nhờ áp dụng phương pháp đối trị thích hợp và nhờ khởi lên tri kiến.
  1. Quán nội sắc thấy ngoại sắc có hạn lượng, và do nhiếp thắng chúng, vị ấy thấy biết.
  2. Quán nội sắc thấy ngoại sắc vô hạn và nhiếp thắng chúng, vị ấy thấy biết.
  3. Quán vô sắc nội tâm, thấy ngoại sắc có hạn lượng, vị ấy thấy biết.
  4. Quán vô sắc nội tâm, thấy ngoại sắc vô hạn lượng và nhiếp thắng, vị ấy thấy biết.
  5. Quán vô sắc nội tâm, thấy các ngoại sắc thuần tịnh màu xanh và sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy thấy biết.
  6. Quán vô sắc nội tâm, thấy các ngoại sắc thuần tịnh màu vàng và sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy thấy biết.
  7. Quán vô sắc nội tâm, thấy các ngoại sắc thuần tịnh màu đỏ và sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy thấy biết.
  8. Quán vô sắc nội tâm, thấy các ngoại sắc thuần tịnh màu trắng và sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy thấy biết.
Theo kinh sớ, thiền giả làm công việc chuẩn bị với một hình tướng nội tại - ví dụ màu xanh của con mắt cho biến xứ màu xanh, da cho biến xứ màu vàng, máu cho biến xứ màu đỏ, răng cho biến xứ trắng - nhưng khi định tướng xuất hiện thì ở ngoài. Sự "vượt qua các hình tướng" là sự đắc định đồng lúc với tướng khởi lên. Nghĩ rằng tôi biết, tôi thấy là một chướng ngại khởi lên sau khi vị ấy xuất định chứng chứ không phải khi đắc định. Thắng xứ thứ 2 chỉ khác thắng xứ đầu do sự trải rộng tướng từ hữu hạn thành vô hạn.

Thắng xứ thứ 2 và thứ 4 bao hàm công việc chuẩn bị được làm trên một tướng bên ngoài và sự khởi lên tướng ở bên ngoài. Thắng xứ thứ 5 cho đến thứ 8 khác với thứ 3 và thứ 4 về sự thuần tịnh thù thắng và ánh sáng của những màu sắc.

Trung Bộ - Kinh 77


Tâm Vô Sắc Giới

Với người hữu duyên trong thiền định thì ngay sau khi chứng đắc Ngũ thiền Sắc giới có thể dễ dàng sanh lòng chán ghét đối với đời sống hệ lụy vật chất. Không còn bị phiền phức bởi năm Triền cái nữa, tức không còn những khổ tâm thông thường của người đời, hành giả lúc này tự nhiên có một nhu cầu tâm linh vi tế hơn. Vị ấy thấy chán sợ với những cọ xát của tấm thân sinh lý với những thứ vật chất phiền toái nặng nề của cơ thể như nóng lạnh, đói khát, thương tích, bệnh tật. Để vượt khỏi sự tù túng này sau khi xuất khỏi Ngũ thiền Sắc giới, nên khi đề mục xưa giờ của hành giả vẫn tiếp tục hiển hiện trong hình thức Quang Tướng nhưng vị này lại tác ý đến một đề mục khác đó là khoảng hư không bao la vô tận nằm ngoài mọi thứ vật chất.

Cùng lúc với sự nhàm chán đối với Quang Tướng của đề mục cũ, thì Quang Tướng ấy cũng lập tức biến mất. Trong tâm thức vị này lúc đó chỉ còn lại một đối tượng duy nhất là khoảng không bao la. Ngay lúc này có một thứ thiền tâm cao hơn Ngũ thiền Sắc giới và chỉ biết có một đối tượng là khoảng không vô tận, đó chính là tâm Hư Không Vô Biên, tầng thiền Vô sắc đầu tiên.

Để chứng đắc tầng thiền Vô sắc thứ nhất, hành giả tập chú vào khái niệm: Ananto ākāso (Hư Không là vô tận).

Nếu đủ duyên lành, đương sự lại nhàm chán cả tầng thiền Vô sắc đầu tiên để thấy rằng đến cả khoảng không bao la kia cũng là cái gì đó hữu hạn bó buộc bởi nó còn bị tâm biết đến. Thế là đương sự lại tác ý đến sự vô tận vô hạn của tâm thức để chứng được tầng thiền Vô sắc thứ hai là Thức Vô Biên. Ở tầng thiền thứ hai thì là Anantaṃ viññānaṃ (thức là vô tận).

Người hữu duyên lại đi xa hơn, xét rằng hư không là hữu hạn vì còn bị thức biết và thức cũng không phải là vô tận vì chỉ biết được cái hư không hữu hạn kia nên hành giả lại lần nữa sanh tâm nhàm chán cả hai thứ bằng cách tập chú vào khái niệm thứ ba: Natthi kiñcanaṃ (không còn gì nữa cả). Trong tâm tưởng vị ấy lúc này cũng đã chối bỏ vừa Hư Không vừa Thức và đạt tới trình độ Vô Sở Hữu Xứ. Một người có huệ căn, như bồ tát Tất Đạt chẳng hạn, không thể xem tầng thiền Vô sắc thứ ba này là cứu cánh sau cùng khi thấy rằng cái biết trong thiền Vô Sở Hữu Xứ dầu gì cũng chỉ là bước nhảy đầu tiên ra khỏi hai đối tượng hữu hạn kia. Như một người không thể an tâm khi nhận ra mình vẫn còn ở ngay phía trước nơi chốn đang rất muốn rời bỏ. Đương sự phải đi xa hơn cho cảnh cũ khuất hẳn tầm mắt.

Với sự nhàm chán này tâm thức của hành giả ngày một vi tế hơn, vị ấy xét thấy một nội tâm tách khỏi hoàn toàn ba khái niệm Vô sắc trước mới thật sự là an tĩnh và thù thắng. Đề mục của hành giả lúc này chỉ là trạng thái tâm vừa có được: Nói rằng không cũng sai mà bảo rằng có cũng không đúng (Phi Tưởng Phi Phi Tưởng). Vị ấy an trú trong khái niệm này: Etaṃ santaṃ, etaṃ paṇītaṃ (đây mới là tịch tịnh, đây mới là thù thắng).

Bốn tầng thiền Vô sắc được kể là ngũ thiền vì y cứ trên ngũ thiền mà có. Có thể nói đây là tầng ngũ thiền nhàm chán Sắc pháp, như tầng Vô Tưởng cũng là ngũ thiền nhưng dành cho người nhàm chán Danh pháp. Sự nhàm chán trong các tầng thiền này chưa phải là rốt ráo và thiền Chỉ tịnh cũng không phải là giải pháp cao nhất nên sự không tâm ở cõi Vô Tưởng hay sự vô hình ở cõi Vô sắc cũng chỉ là những cứu cánh tạm thời. Sự nhàm chán rốt ráo đối với Danh Sắc phải y cứ trên Tam Tướng và giải pháp xuất ly phải là con đường Tứ Niệm Xứ.

Điều cần ghi nhận thêm là năm tầng thiền Sắc giới khác biệt nhau ở số lượng thiền chi. Bốn tầng thiền Vô sắc chỉ khác biệt nhau ở đối tượng ghi nhận, còn thiền chi thì ở tầng nào cũng có hai là Định và Xả. Các tâm Vô sắc giới nói chung cũng được chia thành ba phần Thiện, Quả và Tố với những chi tiết giống hệt như ở tầng thiền Sắc giới.

Triết học A Tỳ Đàm


A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung

© www.tudieu.de