Can quán giả (Sukkhavipassaka), bậc thánh chứng ngộ khô khan, nghĩa là bậc đắc quả A-la-hán không có thiền, chỉ nhờ thuần thục tuệ minh sát. Hạng này cũng gọi là Thuần quán phương giả. (Suddha-vipassanā-yānika).
Chỉ phương giả (Samathayānika), bậc chứng A-la-hán nhờ nương thiền chỉ, nghĩa là vị này đã tu chứng thiền hiệp thế rồi mới tu tiến tuệ minh sát chứng quả A-la-hán. Hạng này cũng gọi là Câu phần giải thoát (Ubhatobhāgavimutta).
Thật ra thì khi vừa đắc chứng đạo quả thì ta nếm hương vị sơ khởi nhưng mà tâm quả này chỉ sanh khởi 1, 2 hoặc 3 sát na thôi. Còn khi nào vị hành giả chứng được thánh quả mà nó phối hợp với khả năng thiền định nữa thì lúc đó mới nhập được thiền quả (Phalasamāpattivīthi) - là sự an trú định của thánh quả, tức là nhập quả định. Chỉ có bậc thánh đã đắc thiền hiệp thế và đắc quả siêu thế (tức là đắc đạo quả hữu thiền) thì mới nhập quả định được. Còn riêng về hạng thánh gọi là "can quán giả" (sukkhavipassaka) thì không nhập quả định được.
Các bậc Thánh có thể nhập thánh quả định: Hành giả đã chứng đắc định ở bất kỳ bậc thiền hữu sắc hay vô sắc nào và sau đó đắc một trong các quả Thánh thì vị ấy có thể nhập thánh quả định tương ứng để thể nhập tự tại Niết-bàn trong Thánh quả định đó.
Lưu ý: Đây là ý kiến từ chú giải của đời sau. Trong chánh tạng không hề có đoạn kinh nào xác định rẳng chỉ có Thánh Samathayānika mới nhập được thiền quả.
Ghi chú
Tùy theo căn cơ của hành giả (Tín, Định hay Trí mạnh nhất), một trong Tam Tướng (tilakkhaṇa) là Vô thường (anicca), Khổ (dukkha) và Vô Ngã (anatta) của Danh Sắc sẽ xuất hiện qua Ý môn của một phàm phu (người còn đủ 10 Triền Phược), tâm Hữu Phần sẽ xuất hiện 2 lần trong vai trò Rúng Động và Dứt Dòng, sau đó là Khai ý môn và một trong bốn tâm Đại thiện hợp trí sẽ xuất hiện ba lần trong vai trò Chuẩn Bị, Cận Hành, Thuận Thứ để quan sát Tam Tướng và sát-na Đại thiện thứ tư xuất hiện trong vai trò Chuyển Tộc để thấy rõ Níp-bàn và chấm dứt chủng tử phàm phu. Tiếp theo một sát-na Sơ đạo xuất hiện để quan sát Níp-bàn lần nữa và ngay lập tức sau đó là 2 hoặc 3 sát-na Sơ quả (tùy trường hợp độn căn hay lợi căn). Người độn căn cần có sát-na Chuẩn Bị nên sau sát-na Sơ đạo chỉ có 2 sát-na Sơ quả. Người lợi căn không cần sát-na Chuẩn Bị nên sau sát-na Sơ đạo thì có tới 3 sát-na Sơ quả.
Một người đã là thánh nhân thì không bao giờ có việc trở lui tình trạng phàm nhân hay trở xuống tầng thánh trí thấp hơn. Trong lộ tâm đắc Sơ quả, sát-na Chuyển Tộc (gotrabhū) có vai trò cắt đứt chủng tử phàm phu, ở lộ tâm chứng đắc các tầng thánh trí cao hơn thì sát-na Chuyển Tộc này được thay thế bằng sát-na Dũ Tịnh (Vodāna) có vai trò là đưa người từ thấp lên cao.
Trong trường hợp một vị Sơ quả đắc chứng Nhị quả, hay Nhị quả đắc chứng Tam quả hoặc Tam quả đắc chứng Tứ quả thì toàn bộ diễn tiến của lộ tâm cũng giống hệt trường hợp số một, dĩ nhiên với những thay đổi cần thiết. Chẳng hạn như sát-na Chuyển Tộc được thay thế bằng Dũ Tịnh.