Vạn pháp trong đời nếu đem phân tích rốt ráo đều nằm gọn trong 4 pháp Chân đế (paramattha) gồm: - Tâm (citta),
- Tâm Sở (cetasika),
- Sắc pháp (rūpa) và
- Níp-bàn (nibbāna).
Phần lớn người học Phật ít khi quan tâm vấn đề Sắc pháp vốn chiếm một vị trí quan trọng trong những thứ làm nên cuộc đời. Định nghĩa nôm na thì Sắc pháp trong A-tỳ-đàm chính là tất cả những thành tố đã tạo nên toàn bộ cái gọi là Vật Chất trong và ngoài chúng sinh. Không giống như Danh pháp, Sắc pháp luôn có thể biến đổi hoặc tiêu mất vì những tác động ngoại lai như nhiệt độ hoặc những sự cố không liên quan tâm thức. Gọi là món này vật kia thật ra chỉ là một tổ hợp của nhiều thành tố Sắc pháp.
Trong A-tỳ-đàm, cái gọi là vật chất chỉ là những trạng thái không hình dáng và khối lượng. Mọi thứ chỉ là gì đó khi có sự kết hợp một cách hợp lý của nhiều thứ vật chất. Một món đồ cổ có tuổi đời hàng chục năm trong suy nghĩ của thiên hạ, nhưng theo A-tỳ-đàm thì không một thành tố nào trong đó tồn tại quá một sát-na..
Có nhiều thứ Sắc pháp cộng lại để tạo nên món đồ đó và tùy thuộc vào nhiều điều kiện ngoại tại, các thành tố đó của món đồ cổ ấy luôn biến chuyển không ngừng. Rồi đến một lúc nào thích hợp, chúng không tiếp tục tồn tại nữa, món đồ cổ kia dầu không bị tay người phá hoại cũng tự hư mất.
Theo A-tỳ-đàm cái gọi là Vật chất hay Sắc pháp ở dạng rốt ráo nhất thì là những thành tố vật chất có tuổi thọ dài lâu hơn tâm pháp 17 lần. Từ thân xác chúng sinh đến sông biển đất đá, cùng các thiên thể tinh tú trong vũ trụ đều có được từ 4 nguồn: - Nghiệp (kamma),
- Tâm (citta),
- Nhiệt lượng (utu) và
- Vật Thực (āhāra).
Nếu phân loại thì tất cả vật chất nằm trong hai nhóm Tứ Đại (bhūtarūpa) và Y Đại Sinh (upādāyarūpa).
Sắc pháp cũng còn 8 tên gọi nữa: - phi nhơn (ahetuka) là chẳng phải nhơn tương ưng.
- hữu duyên (sappaccaya) là có duyên trợ tạo.
- hữu lậu (sāvasa) do bị pháp lậu biết.
- hữu vi (saṅkhata) do bị tạo.
- hiệp thế (lokīya) tức là hợp theo trong đời.
- dục giới (kāmāvacara) thuộc về dục giới.
- vô cảnh (anārammaṇam) vì không biết đặng cảnh.
- phi trừ (appahātabba) chẳng phải sát trừ như phiền não v.v…
|