A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung
www.tudieu.de

Tác Ý & Tư

Tác ý (manasikāra) & Tư (cetanā)

Tác ý (manasikāra) là khuynh hướng nhận biết đối tượng, nên có tác ý đúng (như lý) hoặc sai (phi như lý).

Còn Tư (cetanā) là thái độ ứng xử với đối tượng, nên có thiện, bất thiện hoặc duy tác (tạo nghiệp).

Có như lý tác ý tức hướng tâm đến đối tượng thì đúng nhưng khi hành động không bình tĩnh sáng suốt vẫn có thể biến thành xấu.
Thí dụ vì như lý tác ý nên thấy củ khoai là củ khoai, nhưng lại không thích ăn khoai nên vất bỏ nó đi.

Ngược lại, tuy hướng tâm không đúng (phi như lý tác ý) nhưng khi hành động lại tinh tế nên lại hoá ra tốt.
Thí dụ do phi như lý tác ý nên tưởng sợi dây thành con rắn, nhưng lại có lòng từ nên vẫn không hại con rắn đó.

Khi mắt tiếp xúc với sắc nếu trong thấy chỉ thấy thì đó là như lý tác ý. Nếu có ý chủ quan nào khác là phi như lý tác ý. Từ Tác ý khách quan (đúng) hay Tác ý chủ quan (sai) đó mới sinh thọ (khổ, lạc hay xả). Rồi Tưởng nhận biết đối tượng hiện tướng (chân) hay qua hình thành khái niệm (giả). Sau đó đến Tư (tạo tác thiện, bất thiện hay duy tác). Diễn tiến này đồng nhất (nhất tâm) và trải qua mấy sát-na (mạng căn).

Như lý tác ý (yoniso manasikāra) khác với tư tác thiện (kusala cetanā).

Nhiều người nhầm lẫn giữa manasikāra (tác ý) với tư tác (cetanā) hay chủ ý, ý chí. Ý chí làm chủ việc sống chết thuộc tư tác hữu vi hữu ngã (có chủ ý tạo tác theo ý mình), tức đã nghịch với nguyên lý vận hành tự nhiên (vô ngã) của pháp, chứ không phải như lý tác ý. Như lý tác ý là tâm hướng thuận với pháp tánh tự nhiên.
Hướng tâm chánh trực trên đối tượng thân thọ tâm pháp gọi là "như lý tác ý".

Thấy đối tượng thân (thọ, tâm, pháp) đúng như nó đang là thì gọi là quán thân (thọ, tâm, pháp) trên thân (thọ, tâm, pháp).

(Vài câu trả lời của Thầy Viên Minh)


A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung

© www.tudieu.de