Ý Vật và Sắc Ý Vật
(Sưu tầm định nghĩa và các chi tiết liên hệ)
(Triết học A Tỳ Đàm - Phật giáo Nguyên thủy)
Vật (vatthu) ở đây là chỗ nương cho tâm. Có tất cả là 6 vật, từ Nhãn vật là thần kinh thị giác (chỗ nương cho Nhãn thức) đến Thân vật là thần kinh xúc giác (chỗ nương cho tâm Thân thức) và Vật cuối cùng là ý vật (chỗ nương của Ý thức).
- Nhãn vật (cakkhuvatthu) → Thần kinh thị giác (cakkhupasāda)
- Nhĩ vật (sotavatthu) → Thần kinh thính giác (sotapasāda)
- Tỷ vật (ghānavatthu) → Thần kinh khứu giác ghānapasāda)
- Thiệt vật (jivhāvatthu) → Thần kinh vị giác (jivhāpasāda)
- Thân vật (kāyavatthu) → Thần kinh xúc giác (kāyapasāda)
- Ý vật ở đây gồm 2 trường hợp:
- Ở cõi Ngũ uẩn thì tâm chúng sinh phải nương vào một điểm nào đó trong xác thân và từ chuyên môn gọi điểm đó là Sắc ý vật (hadayavatthu).
- Ở cõi Vô Sắc, ý vật chính là tâm Hữu phần, tức Danh pháp chứ không phải Sắc pháp.
Vai trò của Vật tuy nói là chỗ nương nhưng kỳ thực chỉ giống như chỗ đánh diêm trên một hộp diêm. Thời điểm gặp nhau của Căn, Cảnh và Thức chỉ là một khoảnh khắc chớp nhoáng có thể hình dung qua động tác đánh diêm hay bật quẹt. Trần cảnh, giác quan (Vật) và thức phải cùng lúc có mặt không trước không sau.
Sự chạm mặt đó được gọi là Xúc (phassa).
Quan Hệ Giữa 6 Vật và Các Cảnh Giới (bhūmi)
- Trong 11 cõi Dục giới có đủ cả 6 Vật.
- Trong 15 cõi Sắc giới hữu tâm (rūpaloka) thì chỉ có 3 Vật là Nhãn Vật (cakkhuvatthu), Nhĩ Vật (sotavatthu) và ý vật (hadayavatthu). Phạm thiên các cõi này đều là người ly dục nên việc họ có 2 căn Nhãn, Nhĩ chỉ là để làm các việc lành như gặp Phật nghe pháp chứ không phải để hưởng thụ. Còn Sắc ý vật thì bắt buộc phải có để làm chỗ nương cho tâm và tâm sở.
- Ở cõi Vô sắc giới (arūpaloka) không có Vật nào hết.
Chỗ nương cho tâm thức cõi Vô sắc chỉ là tâm Hữu Phần (bhavaṅgacitta).
Ý giới (manoviññāṇadhātu) tức Khai ngũ môn và 2 Tiếp Thâu, nương ở ý vật.
Ý thức giới (manoviññāṇa) gồm 76 tâm còn lại, nương ở ý vật.
Có 33 tâm phải luôn nương Sắc ý vật (hadayavatthu), gồm 2 tâm sân, 3 tâm Ý giới, 3 tâm Quan Sát, tâm Sinh Tiếu, 8 tâm Đại quả, 15 tâm Sắc giới và 1 tâm Sơ đạo (tâm Sơ đạo này chỉ có được nhờ nghe pháp hay tu tập bằng thân Sắc pháp nên không thể có ở cõi Vô sắc).
Tất cả các tâm trong lộ Ngũ môn đều biết cảnh vật chất hiện tại. Tùy theo tâm mà vật nương là thứ nào trong 5 Vật, như Nhãn thức nương Nhãn vật, Ý thức thì nương ý vật. Các Vật và Cảnh trong lộ Ngũ môn cảnh rất lớn chẳng hạn thì cùng với 5 cảnh Ngũ xuất hiện trước 5 vật vào sát-na Hữu Phần Rúng động và cùng diệt mất vào sát-na Na Cảnh thứ hai.
Tuổi thọ của 5 Vật trong lộ Ngũ môn gồm có ba trường hợp:
- Xuất hiện cùng lúc với cảnh sắc thì gọi là Trung thọ (majjhimāyukavatthu).
- Các Vật xuất hiện sớm hơn cảnh Ngũ và cũng diệt mất sớm hơn thì gọi là Tảo thọ (mandāyukavatthu).
- Ngũ Vật sanh sau diệt sau cảnh Ngũ thì gọi là Vãn thọ (amandāyukavatthu).
Nên nhớ tâm Khai ngũ môn phải nương vào ý vật mà sinh, ý vật này xuất hiện cùng lúc với Hữu Phần Rúng Động. Tâm Tiếp Thu thì nương vào ý vật sanh chung với tâm Nhãn thức. Tâm Quan Sát thì nương vào ý vật mà đã xuất hiện cùng lúc với tâm Tiếp Thu. Cứ vậy mà hiểu cách xuất hiện của ý vật trong lộ Ngũ môn.
Tâm Tái Tục thực chất chỉ là kết quả của một nghiệp xưa nay dẫn sanh kiếp mới. Tâm tái tục có nhiệm vụ kết nối kiếp trước với đời sau nên tên gọi trong tiếng Pāli là Patisandhicitta (tâm kết nối hai kiếp sống). Tâm nào cũng phải có các tâm sở đi cùng, tâm tái tục cũng vậy. Chỗ nương cho tâm tái tục là Sắc ý vật (hadayavatthu) cũng được tạo ra bởi cùng một thứ nghiệp đã tạo ra tâm tái tục. Cho nên ở cõi Vô sắc không có Sắc ý vật. Cảnh của tâm tái tục chính là cảnh cũ của các Đổng lực cận tử đời trước. Từ đó tất cả Hữu Phần trong đời sống mới cũng lấy cảnh đó làm đối tượng. Đối với tâm Hữu Phần của Phạm thiên cõi Sắc giới thì có cảnh là Quang Tướng của đề mục trong thời cận tử đời trước. Tâm Tái Tục và Hữu Phần của Phạm thiên Vô sắc lấy cảnh là đề mục Vô sắc hoặc tâm thiền Vô sắc thấp hơn.
Sắc ý vật (hadayavatthu): Là chỗ dựa sinh lý cho tâm thức chúng sinh. Trong một thân người có đến hàng tỷ Sắc ý vật hòa huyện trong máu. Đối với những loài không máu thì là những dịch chất luân lưu trong cơ thể.
Vật Sắc (vatthurūpa) chỉ cho 5 sắc Thần kinh và ý vật vốn là chỗ nương cho 6 thức. Các Sắc còn lại được gọi là Sắc Phi Vật (avatthurūpa).
Sắc nhất nhân (ekajarūpa): Gồm 11 Sắc là 5 sắc Thần kinh, 2 sắc Giới tính, ý vật và Mạng Quyền chỉ do nghiệp sanh. 2 Sắc Biểu Tri chỉ do Tâm sanh.
(Bản giải Siêu Lý Tiểu Học)
Nói về ý vật đây giúp cho những tâm nương không quá chặt chẽ như thần kinh với ngũ song thức, cho nên đặng nhiều thứ tâm nương. Tạm thí dụ cũng như đò đưa rước từ người trong một xứ chỉ trừ ra kẻ ở nhà bè hay xứ khác (nhà bè là ám chỉ ngũ song thức, xứ khác là 4 quả vô sắc).
Những tâm nào trong phần nương ý vật đây mà có thể sanh đến cõi Vô sắc thì khi đó khỏi nương ý căn (ý quyền), nên gọi là nương ý căn bất định.
Nói về tim (Sắc ý vật) có hai thứ:
- nhục đoàn tâm (maṅsahadayarūpa) tức là trái tim, hình thức tương tự như bông sen búp.
- bản sắc tim (vatthuhadayarūpa) tức là một thứ sắc nghiệp mà nương sanh trong nhục đoàn tim.
Nói đây là Sắc ý vật (hadayarūpa). Có Pāḷi chú giải như vầy: Hadaṅti sattā taṃtaṃ etthaṃ (vā) onatthaṃ (vā) rūpenti etenāti = hadayaṃ: tất cả chúng sanh nhờ sắc nào làm việc lợi ích và không, sắc nhờ ấy gọi là Sắc ý vật.
Và có chú giải nữa như vầy: Hadayavatthu hadayarūpaṃ nāma: bản chất của trái tim đặt tên là Sắc ý vật.
Tứ ý nghĩa (aṭṭha) của Sắc ý vật:
- trạng thái là chỗ nương của ý giới và ý thức giới (manodhātumanoviññāṇadhātunaṃ nissayalakkhanaṃ).
- phận sự là chứa để những giới vừa nói (tāsaññevadhātunaṃ adhāranarasaṃ).
- thành tựu là bảo vệ những giới vừa nói (tadubbahanapaccupaṭṭhānaṃ).
- nhân cần thiết là có sắc tứ đại (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ).
(Giáo tài A Tỳ Đàm)
HADAYARŪPA (Sắc ý vật)
- Hadanti sattā taṃ taṃ atthaṃ vā anatthaṃ vā pūrentīti hadayaṃ (tất cả chúng sanh nhờ vào sắc gì để tạo điều hữu ích, vô ích - sắc ấy chính là ý vật vậy).
Sắc ý vật có 2:
- Mamsahadayarūpa: trái tim (nhục tâm).
- Vatthuhadaya rūpa: Một loại sắc nghiệp (kammajarūpa) nằm trong trái tim, mà Sắc ý vật ở đây muốn nói chính là loại sắc nầy (Pāli là vatthuhadayarūpa hay hadayavatthurūpa).
Vị trí của Sắc ý vật là một tiềm huyệt trong tim ở đây có chứa một lưu lượng máu nhiều bằng một lòng bàn tay. Ðó là chỗ nương của ý giới và ý thức giới. Theo Ngài Jotika giải thì tiềm huyệt nầy lớn bằng hạt punnāga (tên một loại cây có hoa).
Theo quy luật, danh pháp của chúng sanh cõi ngũ uẩn phải nương vào một cái đó để sanh khởi, nếu không thì chúng chẳng sinh khởi được. Và chỗ nương ở đây chính là 5 sắc thần kinh và ý vật, 6 sắc nầy được gọi chung là vatthurūpa, muốn biết cảnh phải nhờ chúng cũng như muốn đi trên hư không phải nhờ phi cơ vậy, 22 sắc còn lại không phải là chỗ nương của danh pháp nên được gọi là sắc phi vật.
5 thần kinh, 2 sắc giới tính, ý vật, mạng quyền: 9 sắc nầy là sắc nghiệp cố định.
8 bất ly, giao giới: 9 sắc nầy là sắc nghiệp bất định.
Ekasamuṭṭhānikarūpa (Sắc nhất nhân) là sắc có một yếu tố trợ sanh; gồm 11 sắc: 5 sắc thần kinh, 2 sắc giới tính, ý vật, mạng quyền. 9 sắc này chỉ do Nghiệp tạo.
Ở cõi dục có đủ 28 sắc pháp.
Ở cõi sắc hữu tưởng chỉ có 23 (trừ mũi, lưỡi, thân và 2 sắc tính).
Ở cõi vô tưởng có 17 sắc (trừ 5 thần kinh, cảnh thinh, 2 sắc giới tính, ý vật, 2 biểu tri).
Trong Abhidhammattha Sangaha ghi rằng thời tái tục chỉ thiếu 8 sắc. Xem câu đó ta dễ hiểu lầm rằng trong 20 sắc còn lại có đủ 4 loại sắc: nghiệp, tâm, quí tiết, vật thực, kỳ thật trong lúc tái tục chỉ có sắc nghiệp, còn 3 loại sắc kia chỉ sanh ra trong thời bình nhật mà thôi, 20 sắc nghiệp ở đây là: 5 sắc thần kinh, 2 sắc giới tính, ý vật, mạng quyền, 8 bất ly, giao giới, sinh, tiến.
SẮC NGHIỆP CỦA MỖI SINH LOẠI
- Loài thấp sanh và hóa sanh trong thời tái tục có được 8 bọn sắc nghiệp, bọn nhãn,... nói chung là 5 bọn thần kinh, bọn giới tính bọn ý vật. Ðó là tính tổng quát, lấy chuẩn mức tối đa (ukkatthanaya). Còn nếu lấy mức tối thiểu (omakanaya) thì đối với loài thấp sanh có thể thiếu 4 bọn sắc nghiệp: bọn nhãn, bọn nhĩ, bọn tỷ và bọn giới tính. loài đọa xứ hóa sanh trong thời tái tục có thể thiếu 3 bọn nghiệp: bọn nhãn, bọn nhĩ, bọn giới tính. Nhân loại hóa sanh (trong thời sơ kiếp) thiếu 1 bọn sắc nghiệp trong khi tái tục đó làbọn giới tính. Tất cả như thiên cõi Dục trong thời tái tục có đủ các sắc nghiệp.
- Phạm thiên sắc giới hữu tưởng trong thời tái tục có được 4 bọn sắc nghiệp: bọn nhãn, bọn nhĩ, bọn ý vật bọn mạng quyền.
- Phạm Thiên vô tưởng trong thời tái tục chỉ có được 1 bọn sắc nghiệp đó là bọn mạng quyền.
- Loài thai sanh nói chung (gabbhaseyyaka) trong thời tái tục có tối đa (ukkaṭṭha) 3 bọn sắc nghiệp: bọn thân, bọn giới tính, và bọn ý vật nói hạn chế hơn (onakanaya) thì sanh loại này trong thời tái tục có ít nhất là 2 bọn sắc nghiệp: bọn thân và bọn ý vật, còn bọn giới tính đôi khi có thể thiếu. Nãy giờ là giải về sắc nghiệp tái tục của các sinh loại.
Ta có thể nói rằng tuy về vị trí vật thể thì mắt và tim nằm xa nhau nhưng trên quy tắc sinh hoạt của thực thể pháp (sabhāva) thì ngũ vật và ý vật luôn tương quan nhau một cách mật thiết. Chính vì vậy, việc tâm hữu phần bị dao động cùng lúc với sự tiếp nhận cảnh sắc của nhãn vật trở thành một vấn đề tất nhiên Ta có thể hiểu điều này qua ví dụ 2 cục đường mà các Ngài chú giải Sư đã dùng. Có 2 cục đường nằm trên bàn, một cục bị ruồi bu còn một cục thì không. Khi Ta lấy ngón tay chạm vào cục đường không bị ruồi bu thì con ruồi bên cục đường kia sẽ hoảng lên mà bay đi, dù hai cục đường đó nằm riêng nhau.
(Vi Diệu Pháp Sơ Cấp)
(Tổng hợp Vô Tỷ Pháp - Tập 4)
Sắc Tâm Cơ (Hadayarùpa)
Có câu Chú Giải trình bầy rằng:
“Hadanti sattà taṃ taṃ atthaṃ và anatthaṃ và pùrenti etenàti = Hadayaṃ”
“Tất cả Chúng Hữu Tình, bởi do nương vào Sắc Pháp ấy, mà thường tạo tác cho khởi sinh lên điều lợi ích và không lợi ích, chính vì thế Sắc Pháp làm thành tác nhân cho tất cả Chúng Hữu Tình tạo tác điều lợi ích và không lợi ích, mới được gọi tên là Sắc Tâm Cơ.”
Mỗi ngày tất cả Chúng Hữu Tình đã và đang tạo tác với nhau biết bao nhiêu việc; nếu như tác hành những Thiện Sự tác thành hữu ích thì gọi là Thiện Nghiệp Lực (Kusalakamma); và nếu như tạo tác bao điều Bất Thiện Sự tác thành vô ích thì gọi là Bất Thiện Nghiệp Lực (Akusalakamma). Cho dù Thiện Nghiệp Lực hoặc Bất Thiện Nghiệp Lực sẽ phải sinh khởi đi nữa, thì thiết yếu cũng cần phải nương sinh vào Sắc Tâm Cơ.
Đối với ở trong Cõi Ngũ Uẩn, nếu nhỡ như chẳng có Sắc Tâm Cơ, thì ắt hẳn Chúng Hữu Tình không thể nào tạo tác được bất luận một công việc nào, cho đến cả việc tư duy nghĩ ngợi, hiểu biết các sự kiện, v.v. cũng không thể nào thực hiện được, mà trái lại chỉ như một hình tượng, con rối mà thôi. Bởi do thế, Sắc Pháp làm thành tác nhân cho thành tựu ở trong mọi công việc, như đã vừa đề cập đến, mới được gọi là Sắc Tâm Cơ.
Sắc Tâm Cơ nầy có hai thể loại, là:
- Sắc Tâm Tạng (Maṅsahadayarùpa): tức là Sắc trái tim có trạng thái na ná như đóa hoa sen.
- Sắc Ý Vật (Hadayavatthurùpa): tức là một thể loại Sắc Nghiệp sinh trú ở trong Sắc Tâm Tạng.
Từ ngữ Sắc Tâm Cơ ở trong chỗ nầy, là lập ý lấy Sắc Ý Vật. Cư xứ của Sắc Tâm Cơ là ẩn trú ở trong khoang lỗ hổng có trạng thái giống như cái hố, to ước chừng bằng hạt Hoa Nguyệt Quế (Punnàga) ở bên trong trái tim. Bên trong khoang nầy có máu nuôi dưỡng độ chừng một bao tay, là chỗ nương sinh của Ý Giới (Manodhàtu) và Ý Thức Giới (Manoviññàṇadhàtu).
[Chú thích: Sắc Tâm Cơ, hoặc là “cứ điểm của Tâm Thức”. Ở trong bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgani) đã không có đề cập đến Sắc Pháp nầy. Trong bộ Chú Giải Atthasàlinì, thì từ ngữ Hadayavatthu đã được giải thích là “Cittassa vatthu”- “cứ điểm của Tâm Thức” (căn cứ từ nơi đó mà Tâm sinh khởi). Như vậy, chúng ta thấy rõ Đức Phật đã không chỉ rõ một cứ điểm nào cho Tâm Thức, hoặc là trái tim hay là đầu não; như Ngài đã có chỉ rõ khi đề cập đến các giác quan khác.
Vào thời kỳ của Đức Phật, phần đông người ta đã tin rằng trái tim là Sắc Tâm Cơ, và luận thuyết nầy hiển nhiên đã được bộ Kinh Upanishad hỗ trợ. Lúc bấy giờ, cũng nên hiểu biết rằng, Đức Phật đã không hề xác nhận, hoặc phủ nhận luận thuyết rất phổ thông vào thời cổ xưa ấy, đã cho rằng Sắc Tâm Cơ là trái tim. Ở trong bộ Kinh Phát Thú (Paṭṭhàna) là bộ Kinh đề cập đến Duyên Hệ Tương Quan, Đức Phật đã lập ý khải thuyết đến cứ điểm của Tâm Thức bằng những danh từ gián tiếp là “Yaṃ rùpaṃ nissàya”- “Y cứ trên Sắc Pháp nầy”, và không quả quyết xác nhận Sắc Pháp (Rùpa) ấy là trái tim, hoặc là đầu não.
Tuy nhiên, theo quan niệm của các Ngài Chú Giải Sư, có các Ngài Đại Giáo Thọ Buddhaghosa và Ngài Anuruddha thì quả quyết cứ điểm của Tâm Thức (Sắc Tâm Cơ) vẫn là trái tim.]
|