www.tudieu.de

Ngõ Vào Nội Tại - Ghi chú

← 0 Trang Đầu 2 →
SESAKASINANIDDESA
ASUBHAKAMMAṬṬHĀNANIDDESA
LỢI ÍCH CỦA SỰ GHI NHẬN ĐỊA THẾ MỘT CÁCH KỸ LƯỠNG
ANUSSATIKAMMAṬṬHĀNA
DHAMMĀNUSSATI
SAṄGHĀNUSSATI
SĪLĀNUSSATI
CĀGĀNUSSATI
DEVATĀNUSSATI
MARAṆASATI
KĀYAGATĀSATI
ĀNĀPĀNASATI


SESAKASINANIDDESA



ĀPOKASINA

Bây giờ tác giả sẽ giải rộng về THỦY ÁN XỨ. Hành giả muốn tu tập về đề mục này cũng nên ngồi theo một tư thế nào đó cho thích hợp thoải mái như khi tu đề mục Đất vậy, rồi mới bắt đầu chú niệm.

Cách thức tạo đề mục nước ở đây cần phải được triển khai rộng rãi, chi tiết. Điều đó hành giả tự tìm hiểu lấy. Bởi ở đề mục Đất tác giả đã nói ít nhiều. Từ đây trở về sau chỉ giải về những điểm liên quan nếu đặc biệt thôi, tác giả khỏi phải nói lại làm gì những điều đã giải.

Đối với hạng hành giả có túc duyên, việc nắm bắt đề mục nước không khó khăn, không cần phải tạo đề mục theo cách thức từ chương. Nghĩa là chỉ cần nhìn thấy nước trong ao hồ, sông biển cũng đủ để chứng thiền như trường hợp Trưởng lão Cūlasiva chẳng hạn, Ngài chỉ cần nhìn mặt biển là lập tức ấn chứng về đề mục nước khởi hiện lên ngay.

Còn đối với hạng hành giả kém túc duyên thì phải chuẩn bị chi tiết hơn, phải tránh bốn điều “sơ thất” khi tạo đề mục (Kasiṇadosa); tránh không lấy nước có màu (như xanh, đỏ…) làm đề mục, kể cả nước có bụi bặm, cặn dơ. Hễ thấy nước chưa đạt tiêu chuẩn thì phải đổ bỏ. Sau đó chọn lấy thứ nước thật trong, thật tinh khiết đổ vào bát hay cái nồi, nên đổ vừa đầy thôi, rồi đặt tại một chỗ thích hợp, điều này tác giả cũng đã có nói ở đoạn trước. Ở đây theo ý tác giả thì hành giả nên ngồi tại chỗ vắng như ranh chùa chẳng hạn, ngồi thật thoải mái, không nên chú ý đến màu sắc, hình dạng của nước làm gì, nên gom tất cả những khía cạnh linh tinh đó vào một ghi nhận đơn thuần là nước thôi. Tâm hoàn toàn đặt trong ý niệm chế định, ở đây chỉ xài cảnh chế định. Rồi bắt đầu chú niệm Āpo! Āpo (Nước! Nước) - triệt để tập trung vào danh từ đó. Những danh từ mà hành giả khởi lên trong đầu hành giả ngay lúc ấy, có thể là những từ khác nhau như Amu, Vāri, Udakaṃ, Salilaṃ cũng được.

Khi hành giả tu tập như vậy thì các ấn chứng sẽ lần lượt khởi lên. Uggahanimitta của Āpokasiṇa giống như là nước đang bị dấy động (trào dâng, nổi sóng), nếu đề mục của mình có nổi bọt hay cuồn cuộn (như với người có túc duyên lấy sông, biển để niệm) thì Uggahanimitta cũng y hệt như thế. Tóm lại, những “khuyết điểm” của đề mục nước luôn hiện lên trong giây phút này.

Còn Paṭibhāganimitta của Āpokasiṇa thì “lặng lẽ” hơn, không đến nỗi thô thiển. Giống như cái quạt hay lá thốt nốt mà người ta trang trí bằng ngọc Maṇi rồi đem treo lủng lẳng trên không hoặc giống như khung (kính) kiến làm bằng ngọc Maṇi vậy.

Cùng lúc Paṭibhāganimitta khởi lên, hành giả cũng đạt đến cận định luôn tức khắc và từ đó lần lượt tiến lên các tầng thiền cao hơn như đã giải ở trước.

TEJOKASIṆA

Muốn tu tập đề mục này, hành giả phải lấy lửa làm án xứ. Đối với người có túc duyên không cần phải tạo đề mục, mà chỉ cần thấy lửa ở bất cứ chỗ nào ấn chứng cũng khởi lên ngay, lửa rừng, lửa trong ngọn đèn… đều là đề mục cho vị ấy được cả. Như chuyện Ngài Cittagutta chẳng hạn.

Một hôm, trong ngày Pháp lệ, Ngài đi vào Bố Tát đường, nhìn thấy ngọn đèn ở đó thôi, ấn chứng Tejokasiṇa lập tức khởi lên. Còn đối với hạng hành giả kém phước hơn thì phải chuẩn bị đề mục thích hợp cho mình.

Nói về cách thức tạo đề mục này, trước hết hành giả lấy cây cứng (lõi cây chẳng hạn) đem chẻ nhỏ và chẻ cho bằng nhau rồi phơi khô. Sau đó đi đến gốc cây hay trú xứ nào đó thích hợp, rồi đem sắp các que ấy chụm vào nhau như khi đốt bát vậy và châm lửa lên. Xong xuôi, hành giả lấy một tấm vải hay tấm chiếu, tấm da gì đó, khoét một lỗ rộng khoảng bốn ngón tay căng lên trước đống lửa và ngồi sao cho ngay với lỗ thủng đó, dĩ nhiên phải ngồi thật thoải mái, không nên bận tâm làm gì tới cỏ cây bên dưới đống lửa, hoặc bận tâm đến ngọn lửa cao thấp chi cho thêm roan, chỉ tập trung vào lửa thôi, qua lỗ thủng của tấm màn. Không nên để ý tới màu sắc (xanh, vàng, đỏ) của lửa hay hình dáng (chập chờn, nhảy nhót) của nó, hay tác ý tới tính chất nóng của nó, nên coi tất cả khía cạnh đó chỉ là một: lửa. Dĩ nhiên ở đây hành giả cũng chỉ tác ý cảnh chế định. Rồi niệm Tejo, Tejo hay bất cứ danh từ đồng nghĩa nào khác như pāvako, kaṇhāvattanī, jātavedo, hutāsano. Miễn sao đó là danh từ khởi lên trong đầu hành giả ngay lúc đó. Uggahanimitta của Tejokasiṇa giống như một ngọn lửa “chập chờn để sẵn sàng tắt”. Đối với hành giả dùng đề mục Tự Do (không phải tạo theo cách nước) thì các “khuyết điểm” chi tiết của nó sẽ hiện ra trong Uggahanimitta, tức là hành giả sẽ thấy cả những cục than, khúc cây hay vật gì đó phát lửa (mà trong khi chọn làm đề mục đã có).

Paṭibhāganimitta của đề mục này có thể giống như một tấm vải Kambala màu đỏ treo trên không hay tựa như một tấm vàng ròng hoặc một cây cột bằng vàng tinh chất. Từ giai đoạn này, hành giả sẽ lần lượt tiến đạt các tầng thiền định.

VĀYOKASIṆA

Hành giả muốn tu tập đề mục này phải chú niệm vào GIÓ, chú niệm vào sự lay động và luồng gió chạm vào mình. Chú niệm vào sự lay động nghĩa là tác ý vào ngọn cỏ hay chi chi đó mà bị gió thổi đong đưa, phây phẩy hay chú ý vào mái tóc bị gió thổi cũng được, chú ý luồng gió chạm mình tức là để ý vào hơi gió thổi quyện vào làn da của mình. Hành giả tác ý vào những lá, ngọn của cỏ cây nào cao ngang đầu mình hoặc nếu nhìn vào tóc ai thì nên chọn những mái tóc có sợi dài khoảng bốn ngón tay mà đang bị gió xốc tung. Hay chú niệm vào những lỗ trống, khe hở mà gió lọt vào thổi trúng thân mình hành giả. Hành giả nên để ý tới mảng da mà được gió thổi ấy, rồi niệm: Vāyo! Vāyo – Hoặc bằng danh từ đồng nghĩa nào mà mình muốn như vāta, mātula, anila chẳng hạn.

Uggahanimitta của đề mục này mà một vật gì đó đang lay động, vần chuyển như khói bốc ra từ nồi cơm chẳng hạn, hoặc có thể là một hình ảnh nào đó tương tự. Còn Paṭibhāganimitta thì bao giờ cũng là một hình ảnh gì đó bất động. Điều này tưởng khỏi phải nói chi cho dài dòng.

NĪLAKASIṆA

Ở đây, hành giả muốn tu tập đề mục này thì tác ý vào một vật gì đó có màu xanh như bông hoa hay vải vóc hoặc cái gì có màu xanh. Đối với người có căn duyên nhiều chỉ cần nhìn viên ngọc hay tấm vải xanh đã là đủ để chứng thiền.

Đối với hạng hành giả kém duyên phước hơn thì phải chuẩn bị đề mục bằng cách chọn lấy những bông hoa màu xanh (như súng xanh hay kaṇikāra) đem để vào đầy một đồ đựng cùng với cả lá cây đặc biệt không nên để nhụy hoa và cuống hoa bày ra rõ ràng, hoặc hành giả xâu lại một chùm những bông hoa màu xanh hay cuộn (quấn) lại cho đầy đồ đựng, đầy ngang như mặt trống. Hoặc lấy một thứ gì đó màu xanh như lá cây cũng được, nhưng nên nhớ là đề mục phải được chuẩn bị sao cho có thể dời đổi tới lui được (saṃhārima) rồi loại ra khỏi tư tưởng mọi ghi nhận linh tinh về đề mục (những gì không ăn nhằm tới màu xanh) và chú niệm:Nīlaṃ! Nīlaṃ theo cách thức đã giải ở đề mục đất.

Trong giai đoạn Uggahanimitta của đề mục màu xanh, các chi tiết của án xứ như nhụy, cuống luôn hiện ra rõ ràng. Còn Paṭibhāganimitta là những hình ảnh không dính dáng gì tới đề mục thực tế cả, có thể hành giả sẽ thấy như một cái lá thốt nốt kết đầy ngọc Maṇi treo trên hư không, những gì cần hiểu về đề mục này, ở đây khỏi phải nói thêm.

PĪTAKASIṆA

Cách thức tạo, tu đề mục màu vàng cũng giống như màu xanh. Các bậc Chú Giải Sư nói rằng hành giả muốn tu đề mục này thì nắm bắt vào tất cả những gì có màu vàng như hoa vàng, vải vàng... rất đơn giản. Cho nên đối với hạng hành giả nhiều túc duyên, ấn chứng màu vàng rất dễ dàng khởi lên, chỉ cần nhìn thấy một cái hoa, một món trang sức hay một tấm vải vàng... là đã đủ, như Ngài Cittalapabbata chẳng hạn, Ngài chỉ cần nhìn thấy kệ ngồi được trang trí bằng hoa Pattaṅga trong núi Cittalapabbata thì ấn chứng về màu vàng cũng khởi lên.

Còn đối với hạng hành giả kém túc duyên hơn thì phải lấy bông hoa hay vải vàng... làm đề mục, cách thức đã giải giống như ở đề mục xanh, rồi niệm rằng: Pītakaṃ! Pītakaṃ thế thôi.

LOHITAKASIṆA

Muốn tu tập đề mục này thì cũng cứ áp dụng cách thức
giống như hai đề mục màu trước, chỉ đổi câu niệm: Lohitakaṃ! Lohitakaṃ!

ODĀTAKASIṆA

Chỉ đổi cách niệm: Odātaṃ! Odātaṃ!

ĀLOKAKASIṆA

Ở đây hành giả tu tập về đề mục ánh sáng, chú niệm vào ánh sáng. Người nhiều túc duyên chỉ cần nhìn tia sáng xuyên qua các kẽ hở, lỗ trống cũng khởi lên ấn chứng, hay khi nhìn ánh sáng, ánh trăng chiếu rọi qua khe, lỗ nào đó, hoặc rọi trên đất, họ cũng khởi lên ấn chứng.

Còn nếu hành giả là người kém túc duyên thì phải tạo đề mục bằng cách nhìn vào những loại ánh sáng vừa kể trên, rồi niệm: Obhāso! Obhāso!

Nếu thấy vậy không được thì nên thắp một cây đèn bỏ vào nồi. Đậy lại, chừa một khe hở để ánh sáng lọt ra ngoài, xong rồi tập trung tư tưởng vào tia sáng ấy mà niệm: Āloko! Āloko cũng được.

Uggahanimitta của đề mục này giống như là một quầng tròn trên không hay trên mặt đất. Paṭibhāganimitta thì giống như một khối ánh sáng chói rực.

PARICCHINNĀKĀSAKASIṆA

Ở đây theo Pāli muốn tu tập đề mục hư không, hành giả phải tác ý vào những kẽ hở, lỗ trống. Cũng như đối với các đề mục trước, người có túc duyên rất dễ tìm được đề mục và rất dễ khởi lên ấn chứng, chỉ cần nhìn thấy một lỗ hở là đã đủ.

Còn riêng về kẻ kém túc duyên, muốn tu tập về đề mục này thì phải khoét một lỗ thủng rộng khoảng 4 ngón tay phía trên vách nhà cho vừa với tầm nhìn hoặc khoét vào một tấm da, tấm màn... nào cũng dược, rồi tập trung vào đó niệm Ākāso! Ākāso.

Uggahanimitta của đề mục này là một khe trống có cả khung tròn, hành giả có muốn nới rộng khung tròn của lỗ trống đó cũng không được. Tới khi có được Paṭibhāganimitta thì hành giả sẽ thấy như một khoảng không gian thật sự, vị ấy muốn nới rộng ra cũng được.

Trên đây là các đề mục Kasiṇa mà bậc Đạo Sư đã thuyết để hướng dẫn cho chứng đạt các tầng Thiền Sắc. Sau khi đã hiểu chừng đó lý thuyết về các đề mục, hành giả nên tìm hiểu thêm các khía cạnh đề mục cần biết khác.

UY LỰC CỦA VỊ TU ĐỀ MỤC ĐẤT
Sau khi tu tập thành đạt trọn vẹn đề mục ĐẤT, hành giả sẽ có những thần lực sau:
1- Một người hóa ra nhiều người.
2- Hóa niệm mặt đất trên hư không, trên nước và có thể đi bằng chân trên đó, hay nói cách khác, vị ấy có thể đi trên hư không và trên mặt nước giống như đi trên đất.
3- Có thể hóa thành lớn, thành nhỏ tùy ý (có thể biến mình thành lớn, nhỏ một cách tự tại).

UY LỰC CỦA VỊ TU ĐỀ MỤC NƯỚC
Nhờ tu chỉ bằng đề mục NƯỚC, hành giả có thể đạt được những uy lực như sau:
1- Có thể độn thổ dễ dàng như người ta lặn dưới nước (có thể trồi lặn trong đất thoải mái).
2- Có thể tạo mưa như ý (làm trời mưa).
3- Có thể hóa niệm ra sông, ngòi, biển cả.
4- Có thể làm rung chuyển địa cầu, núi non, đền đài một cách như ý.

UY LỰC CỦA VỊ TU ĐỀ MỤC LỬA
Sau khi đã chứng Thiền bằng đề mục LỬA, hành giả có các uy lực như sau:
1- Có thể tạo ra khói như ý muốn.
2- Có thể làm cho thân hình chói rực.
3- Có thể làm cho mưa củi lửa rớt xuống.
4- Có thể tạo lửa thiêu hủy bất cứ cái gì.
5- Có thể tự tạo ánh sáng soi rọi những chỗ tăm tối để mắt nhìn thấy cái mình muốn thấy.
6- Có thể tự hỏa thiêu thân thể khi viên tịch Níp Bàn.

UY LỰC CỦA VỊ TU ĐỀ MỤC GIÓ
Nhờ tu tập trọn vẹn đề mục GIÓ, hành giả có thể đằng vân mau như gió và có thể khiến gió nổi lên theo ý muốn.

UY LỰC CỦA VỊ TU ĐỀ MỤC XANH
1- Có thể biến mình thành màu xanh.
2- Có thể tạo bóng tối (làm cho trời đất tối mù mịt).
3- Có thể biến mình đẹp, xấu tùy ý.
4- Chứng đạt Subhavimokkha.

UY LỰC CỦA VỊ TU ĐỀ MỤC VÀNG
1- Có thể biến mình thành màu vàng.
2- Có thể biến bất cứ cái gì thành vàng (kim) cũng được.
3- Có thể hiện những cái đã nói ở trước cũng được (chỉ cho các loại thần lực khác).
4- Chứng đạt Subhanimitta.

UY LỰC CỦA VỊ TU ĐỀ MỤC ĐỎ
1- Có thể biến mình thành màu đỏ.
2- Có thể biến hóa những loại thần lực khác cũng được.
3- Chứng đạt Subhanimitta.

UY LỰC CỦA VỊ TU ĐỀ MỤC TRẮNG
1- Có thể biến mình thành màu trắng.
2- Có thể tỉnh táo thường xuyên, ít bị hôn thụy chi phối (Thīnamiddhassa dūrebhāvakaraṇaṃ).
3- Có thể xua tan bóng tối.
4- Có thể tự tạo ánh sáng để soi rọi những chỗ tăm tối mà mình muốn nhìn thấy.

UY LỰC CỦA VỊ TU ĐỀ MỤC ÁNH SÁNG
1- Có thể biến thân mình cho chói rực.
2- Có khả năng xa lánh hôn thụy.
3- Có thể xua tan bóng tối.
4- Có thể tự tạo ánh sáng để soi chiếu những chỗ tối tăm mà mình muốn nhìn thấy.

UY LỰC CỦA VỊ TU ĐỀ MỤC HƯ KHÔNG
1- Có thể bày ra những gì bị che kín.
2- Có thể đi xuyên đất, xuyên núi non rồi sinh hoạt trong đó (như ngoài chỗ trống).
3- Đi thoải mái trong mọi chỗ mình muốn, không sợ bị cái gì cản trở, ngăn chặn.

---o0o---


HẠNG NGƯỜI VÔ DUYÊN VỚI THIỀN ĐỊNH

Một trong những hạng chúng sanh sau đây không thể nào chứng ngộ thiền định, Đạo, Quả được là:

  1. Người bị ác nghiệp ngăn chặn.
  2. Người bị phiền não ngăn chặn.
  3. Người bị ác quả ngăn chặn.
  4. Người bị kém đức tin.
  5. Người không có sở vọng, chí nguyện (chanda) tốt.
  6. Người bị liệt tuệ.

Ở đây, bị ác nghiệp ngăn chặn tức là đã tạo vô gián nghiệp. Bị phiền não ngăn chặn tức là người tà kiến quá nặng hay người lưỡng tính, người bộ nắp (ubhatobyanjanakavā paṇḍaka). Bị ác quả ngăn chặn tức là tục sinh bằng tâm nhị nhân hay vô nhân.

Không có đức tin tức là không tín mộ Tam Bảo hay nghiệp lý, không có sở vọng tốt tức là không màng tới chuyện tu hành.

Liệt tuệ tức là không có chánh kiến về Hiệp Thế lẫn Siêu Thế Pháp. Hễ bị một trong những trở lực này chi phối thì không mong gì chứng đạt thượng nhân Pháp.

Cho nên đối với người (cảm thấy mình) không bị rơi vào quả chướng thì nên cố gắng tránh cho kỳ được nghiệp chướng và phiền não chướng, nên phát triển Chánh tín, sở vọng tốt đẹp cùng với trí tuệ bằng cách nghe Pháp và thân cận thiện nhân, rồi nỗ lực tu tập các đề mục.

 


← 0 1 2 →

Nguồn: Ngõ Vào Nội Tại
(Tỳ khưu Huyển Đạt lược dịch)
Họa đồ và ghi chú do Cao xuân Kiên thiết kế sau những buổi học ATĐ trên Zoom.
Nếu có thấy sơ sót sai lầm xin cảnh báo qua trang nhắn tin. Xin cảm ơn.

© www.tudieu.de