A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung
www.tudieu.de

← Duyên Khởi

Sơ Lược về Duyên Khởi ← 1. Vô minh duyên hành → 2. Hành duyên thức


1. Vô minh duyên hành
(avijjā paccayā saṅkhāra)

(thuộc thời quá khứ)

Vô minh (avijjā) trợ duyên cho nghiệp hành (saṅkhāra) sanh, hay nói cách khác, nghiệp hành (saṅkhāra) sanh do nương vào vô minh (avijjā).

Ở đây, “Avijjā” vô minh là ảo tưởng, mê mờ, không biết pháp đáng biết.

Vô minh (avijjā) là sở hữu si (moha cetasika) hiện diện trong 12 tâm bất thiện (akusala citta).

Si (moha) là nhận thức tối tăm của chúng sanh và làm mù không cho thấy bản thể thực tính của cảnh. Như thấy các pháp hữu tưởng và vô tưởng có vẻ là thường (nicca), lạc (sukha), ngã (atta), tịnh (subha), trong khi thực tế thì các pháp thật sự là vô thường (anicca), chịu khổ (dukkha), vô ngã (anatta) và bất tịnh (asubha).

Theo Kinh (Suttanta), Đức Phật có giải thích: Si (moha) là vô minh (avijjā), không biết về bốn Thánh đế.

Theo Abhidhamma, vô minh (avijjā) hay si (moha) là không biết về những nhóm uẩn (khandha) - xứ (āyatana) quá khứ (kiếp quá khứ), những nhóm uẩn (khandha) - xứ (āyatana) vị lai (kiếp vị lai), sự kết nối phía trước và sự kết nối phía sau của những nhóm uẩn (khandha) - xứ (āyatana) hiện tại (kiếp trước và kiếp sau), liên quan nhân quả của paṭiccasamuppāda là pháp gồm nghiệp (kamma) và quả của nghiệp.

Có tám chi quan trọng bị vô minh (avijjā) ngăn che làm cho chúng sanh không đặng biết bản thể thực tính của chư pháp. Đó là:

  1. khổ đế (dukkhā sacca);
  2. tập đế (samudaya sacca);
  3. diệt đế (nirodha sacca);
  4. đạo đế (magga sacca);
  5. uẩn (khandha) quá khứ và những nhóm xứ (āyatana);
  6. uẩn vị lai và những nhóm xứ;
  7. điểm đầu và điểm cuối của uẩn và những nhóm xứ hiện tại;
  8. pháp liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) là gồm nghiệp (kamma) và quả của nghiệp.

Hành (saṅkhāra) nghĩa là nghiệp hành (kamma saṅkhāra) hay 29 tư (cetanā) phối hợp với 17 tâm thiện hiệp thế (lokiyakusala citta) và 12 tâm bất thiện (akusalacitta). Chỉ cho phúc hành (puññābhisaṅkhāra), phi phúc hành (apuññābhisaṅkhāra) và bất động hành (aneñjābhisaṅkhāra).

  1. Phúc hành (puññābhisaṅkhāra) đại diện cho 13 tư (cetanā) phối hợp với 8 tâm đại thiện (mahākusala citta) và 5 tâm thiện sắc giới (rūpāvacarakusala citta). Gọi chung là ‘phúc hành’ vì nó trợ cho danh uẩn quả thiện (vipāka nāmakkhandha) và sắc bị tạo (kaṭattā rūpa) sanh trong cõi Dục (Kāma loka) và cõi Sắc (Rūpa loka).
  2. Phi phúc hành (apuññābhisaṅkhāra) đại diện cho 12 tư (cetanā) phối hợp với 12 tâm bất thiện (akusala citta), được gọi chung là ‘phi phúc hành’ vì nó trợ cho danh uẩn quả bất thiện (vipāka nāmakkhandha) và sắc bị tạo (kaṭattā rūpa) sanh trong 4 cõi Khổ (Apāya loka).
  3. Bất động hành (aneñjābhisaṅkhāra) đại diện cho 4 tư (cetanā) phối hợp với 4 tâm thiện vô sắc giới (arūpāvacara kusala citta), được gọi chung là ‘bất động hành’ vì nó trợ cho sự sống bất động vô sắc (arūpa).

Tóm lại, hành (saṅkhāra) đại diện cho 29 loại nghiệp (kamma) phối hợp với 17 tâm thiện hiệp thế (lokiya kusala citta) và 12 tâm bất thiện (akusala cittta).

Vô minh (avijjā) duyên cho hành (saṅkhāra) sanh ra sao?

Vì không biết về nghiệp và quả của nghiệp, chúng sanh phạm vào những hành vi bất thiện vì lợi ích bản thân nhất thời. Do những suy nghĩ ảo tưởng về dục lạc, thiền lạc là những dạng hạnh phúc thật sự, chúng sanh thực hiện xả thí (dāna), giữ giới (sīla) và tu tiến (bhāvana) để đạt đến những hạnh phúc ấy trong kiếp hiện tại hay những kiếp vị lai. Dù cho chúng sanh tích lũy cả hai nghiệp hành (kamma saṅkhāra) thiện và bất thiện thì đều là quả của sự không biết hay ảo tưởng, tức vô minh (avijjā).

Có một sự giải thích luân phiên như vầy: Khi dòng danh pháp của chúng sanh hữu tưởng bị nhiễm đầy vô minh, tư (cetanā) của vị ấy làm sản sanh nghiệp (kamma) với mãnh lực tạo ra quả trong những kiếp sống vị lai. Do đó, vô minh được xem là duyên chính cho nghiệp hành (kamma saṅkhāra). Vô minh thì vượt trội trong những nghiệp bất thiện, trong khi vô minh là pháp tiềm thùy (avijjānusaya) trong những nghiệp thiện hiệp thế. Do đó, cả hai nghiệp hành (kamma saṅkhāra) thiện hiệp thế và bất thiện sanh do nương vào vô minh (avijjā).

Duyên Hệ


Vô minh duyên Phúc hành đặng 2 duyên.
  1. Cảnh duyên (Ārammaṇapaccayo).
  2. Thường cận (đại) y duyên (Pakatūpanissaya-paccayo).

Vô minh duyên phúc hành sắc giới chỉ đặng 1 duyên là Thường cận (đại) y duyên (Pakatūpanissayapaccayo) như là có người tâm bất thiện thường sanh ra làm những điều chẳng tốt, rồi gặp nhiều trường hợp đâm ra quá chán nản, tìm tu pháp chỉ (samatha) cho đến đắc thiền là do nhờ mãnh lực bất thiện đã từng thường sanh hằng có sở hữu si, cho nên đặng gọi là vô minh duyên phúc hành sắc giới bằng Thường cận (đại) y duyên.

Hay là ham thần thông (abhiññā), ham sanh về cõi Sắc giới cho đến hằng ưa thích những ân đức thiền nhiều lần thành ra rất mạnh, thúc đẩy cho sự cố gắng tu theo những đề mục đắc thiền sắc giới thành tựu. Còn người đang ở cõi Sắc giới cũng vì ưa những cõi Sắc giới nên trau dồi thiền sắc giới.

Đây là sở hữu tư (cetanā) hiệp với tâm thiện sắc giới sanh đặng do mãnh lực Thường cận (đại) y duyên của sở hữu si.

Vô minh giúp hành đại thiện bằng Cảnh duyên (Ārammaṇāpaccayo) hay Cảnh trưởng duyên (Ārammanādhipatipaccayo) như là đại thiện tư tưởng đến tâm bất thiện cho là không tốt... hoặc nghĩ rằng biết tham như biết mặt đạo tặc vững lòng thành Cảnh trưởng (Cảnh cận y: Ārammanūpanissayapaccayo).

Còn sự mong mỏi ưa thích ỷ lại phước... bằng tâm bất thiện do mãnh lực ấy mà đại thiện và thiện sắc giới phát sanh đó là vô minh trợ Phúc hành bằng Cận y duyên (Upanissayapaccayo) hay Thường cận y duyên (Pakatūpanissayapaccayo).

Vô minh duyên phi phúc hành Là sở hữu si trợ cho sở hữu tư (cetanā) hiệp tâm bất thiện, tức là sở hữu tư (cetanā) hiệp với tâm bất thiện đều có sở hữu si đi chung luôn cả 12 tâm bất thiện và sở hữu tư (cetanā) cũng biết đặng sở hữu si hiệp tâm bất thiện đã diệt hoặc sẽ sanh không đồng một lộ.

Cho nên cách trợ đặng 16 duyên kể sau:
  1. Nhân duyên (Hetupaccayo)
  2. Cảnh duyên (Ārammaṇapaccayo)
  3. Trưởng duyên (hẹp) (Adhipatipaccayo)
    Cảnh cận y duyên (Ārammanupanisayapaccayo) hoặc
    Cảnh trưởng duyên (rộng) (Ārammanādhipati-paccayo)
  4. Vô gián duyên (Anantara paccavo)
  5. Đẳng vô gián duyên (Samanantarapaccayo)
  6. Câu sanh duyên (Sahajātapaccayo)
  7. Hỗ tương duyên (Aññamaññapaccayo)
  8. Y chỉ duyên (Nissayapaccayo)
  9. Cận y duyên (hẹp) (Upanissayapaccayo) hoặc
    Thường cận y duyên (rộng) (Pakatūpanissayapaccayo)
  10. Trùng dụng duyên (Āsevanapaccayo)
  11. Tương ưng duyên (Sampayuttayaccayo)
  12. Câu sanh hiện hữu duyên (Sahajātatthipaccayo)
  13. Vô hữu duyên (Natthipaccayo)
  14. Ly khứ duyên (Vigatapaccayo)
  15. Câu sanh bất ly duyên (Sahajāta Avigatapaccayo)
  16. Vô gián cận y duyên (Anantarūpanissayapaccayo)

Vô minh duyên bất động hành, nghĩa lý cũng như vô minh duyên phúc hành sắc giới, có 1 duyên:
  1. Cận (đại) y duyên (Upanissayapaccayo) (hẹp).
    Thường cận (đại) y duyên (Pakatūpanissayaccayo) (rộng).

 


 

Sơ Lược về Duyên Khởi ← 1. Vô minh duyên hành → 2. Hành duyên thức

← Mục lục Duyên Khởi

Nguồn: Vô Tỷ Pháp Tập Yếu - TL Tịnh Sự (ed.2019)


A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung

© www.tudieu.de