A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung
www.tudieu.de

← Duyên Khởi

6. Xúc duyên thọ ← 7. Thọ duyên ái → 8. Ái duyên thủ


7. Thọ duyên ái
(vedanā paccayā taṇhā)

(thuộc thời hiện tại)

Thọ (vedanā) trợ duyên cho ái (taṇhā) sanh, hay nói cách khác, ‘ái’ sanh là do nương vào ‘thọ’. (Vibh.263)

Thọ (vedanā) ở đây nghĩa là 6 loại thọ đã liệt kê ở trên như thọ nhãn xúc (cakkhusamphassajā vedanā), thọ nhĩ xúc (sotasamphassajā vedanā) và v.v… Pháp liên quan tương sinh giải thích mỗi chúng sanh đi quanh quanh trong vòng luân hồi, nhân trợ cho quả sanh và quả trở thành nhân lần nữa trợ cho quả của nó ra sao. Một số tác giả thích lấy tất cả thọ (vedanā) phối hợp với 81 tâm hiệp thế (lokiya citta) làm duyên, khi thọ (vedanā) đóng vai trò làm nhân ở đây.

Bây giờ, ái (taṇhā) sinh khởi là quả của thọ (vedanā) cũng là một trong 6 loại – tức là

  1. ái sắc (rūpa taṇhā) tức ái cảnh sắc,
  2. ái thinh (sadda taṇhā) tức ái cảnh thinh,
  3. ái khí (gandha taṇhā) tức ái cảnh khí,
  4. ái vị (rasa taṇhā) tức ái cảnh vị,
  5. ái xúc (phoṭṭhabba taṇhā) tức ái cảnh xúc,
  6. ái pháp (dhamma taṇhā) tức ái cảnh pháp.

Mỗi loại ái trở thành nhóm ba dựa theo:
  • dục ái (kāmataṇhā) là ái cảnh dục;
  • hữu ái (bhavataṇhā) là ái thiền sắc, thiền vô sắc và cõi Sắc, cõi Vô sắc, tức là ái tương ứng với thường kiến (sassatadiṭṭhi);
  • phi hữu ái (vibhavataṇhā) là ái sự đoạn tận, mất hết, tiêu hết, tức là ái tương ưng với đoạn kiến (uccheda diṭṭhi).
Trong sự đa dạng này, pháp bản thể thực tính của tất cả ái đều bắt nguồn từ sở hữu tham (lobha cetasika) là pháp phối hợp với 8 tâm căn tham (lobhamūla citta).

Mặc dù ái được phân biệt bằng lối cảnh, thật ra, bản thân ái (taṇhā) tùy thuộc vào thọ (vedanā), mà thọ ấy sanh qua sự xúc chạm với cảnh. Khi chúng sanh trải qua một lạc thọ, chúng sanh hưởng lạc thọ đó và mong muốn cảnh duy nhất đến mức khơi dậy lạc thọ về nó. Mặt khác, khi chúng sanh trải qua một khổ thọ, chúng sanh có một mong muốn thoát khỏi sự khổ và mong mỏi có một lạc thọ để thay thế khổ thọ. Xả thọ có trạng thái là thư thái, thản nhiên, và đây cũng trở thành một đối tượng của ái.

Do đó, 3 loại thọ (vedanā) trợ duyên cho những loại ái (taṇhā) khác nhau sanh.

Sáu loại ái này tồn tại nội phần (là bên trong ta) và ngoại phần (là bên trong người khác), thành ra 12 loại ái. Chúng trở thành 36 khi xét theo quá khứ, hiện tại và vị lai. Khi chúng được nhân cho 3 loại ái đã liệt kê là tập đế (samudaya sacca), chúng thành 108 loại ái (taṇhā).

Ba loại ái đã liệt kê là tập đế (samudaya sacca) như:
  1. Dục ái (kāma taṇhā) ái, ưa thích cảnh dục, những khoái lạc.
  2. Hữu ái (bhava taṇhā) ái, ưa thích cảnh dục, những khoái lạc phối hợp với thường kiến, v.v… hưởng những khoái lạc và nghĩ rằng chúng tồn tại lâu dài, bất diệt, bất tử.
  3. Phi hữu ái (vibhava taṇhā) ái, ưa thích cảnh dục, những khoái lạc phối hợp với đoạn kiến, v.v… hưởng những khoái lạc và nghĩ rằng tất cả đều tiêu diệt không còn sau khi tử.

Về cơ bản, tất cả những cách khác nhau của ái (taṇhā) đại diện cho tham là pháp phối hợp với 8 tâm căn tham (lobhamūla citta).
 


 

6. Xúc duyên thọ ← 7. Thọ duyên ái → 8. Ái duyên thủ

← Mục lục Duyên Khởi

Nguồn: Vô Tỷ Pháp Tập Yếu - TL Tịnh Sự (ed.2019)


A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung

© www.tudieu.de