A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung
www.tudieu.de

← Bất Thiện Nhiếp

4 Lậu, 4 Bộc, 4 Phối → 4 Kết


4 Lậu, 4 Bộc, 4 Phối

(trích Triết học A Tỳ Đàm)

TỨ LẬU (āsava)

Chữ āsava ở đây có hai nghĩa là cặn bã hay sự rò rỉ. Đức Phật dùng từ này để gọi tên những thứ phiền não căn bản tạo nên cuộc luân hồi.
  1. Dục Lậu (kāmāsava): Là tâm sở Tham (lobha) trong 8 tâm tham (lobhamūlacitta) trong trường hợp lấy 5 dục làm đối tượng.
  2. Hữu Lậu (bhavāsava): Là tâm sở Tham (lobha) hợp với 4 tham ly tà (lobhamūladiṭṭhigatavippayuttacitta) trong trường hợp đam mê trong 9 tầng thiền Đáo đại và các cõi Phạm thiên.
  3. Kiến Lậu (diṭṭhāsava): Là tâm sở Tà Kiến (diṭṭhi) trong 4 tâm tham đi chung Tà Kiến (lobhamūladiṭṭhigatasampayuttacitta) trong trường hợp Thường Kiến và Đoạn Kiến, kể rộng có 62 Tà Kiến (xem lại kinh Phạm Võng trong Trường Bộ Kinh).
  4. Vô Minh Lậu (avijjāsava): Là tâm sở Si (moha) trong 12 tâm Bất thiện (akusalacitta). Si ở đây là sự bất tri Tứ Đế, Duyên Khởi và Tam Thế Luân Hồi.
Như vậy cốt lõi của Tứ Lậu chỉ có 3 thứ phiền não là Tham, Tà Kiến và Si. Chính 3 pháp này đã tạo nên vòng tròn Duyên Khởi.

TỨ BỘC (ogha)

Ogha có nghĩa là dòng nước chảy mạnh, thường được dịch là Bộc Lưu. Tứ Bộc là tên gọi khác của Tứ Lậu trong trường hợp ám chỉ khía cạnh cuốn trôi chúng sanh vào đường sanh tử.
  1. Dục Bộc (kāmogha)
  2. Hữu Bộc (bhavogha)
  3. Kiến Bộc (diṭṭhogha)
  4. Vô Minh Bộc (avijjogha)

TỨ PHƯỢC (yoga)

Yoga ở đây có nghĩa là sự ràng buộc hay trói cột. Tứ Lậu đôi khi được gọi là Tứ Phược vì nó giống như cái ách ràng buộc chúng sinh vào cổ xe luân hồi. Phàm phu như những con bò cứ phải đi tới mà không biết phải làm sao để tháo cởi ra được.
  1. Dục Phược (kāmayoga)
  2. Hữu Phược (bhavayoga)
  3. Kiến Phược (diṭṭhiyoga)
  4. Vô Minh Phược (avijjāyoga)


(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu - TL Tịnh Sự - tb.2019)

Bốn Lậu (āsava)

Kathaṁ? Akusalasaṅgahe tāva cattāro āsavā: Kāmāsavo bhavāsavo diṭṭhāsavo avijjāsavo.
Ra sao? Trước tiên, trong bất thiện nhiếp, có bốn pháp lậu: dục lậu, hữu lậu, tà kiến lậu và vô minh lậu.

Āsava nghĩa là làm say, làm ô uế, sự đồi trụy, làm mờ, làm thối nát, làm cho loét, thối mục, thối nát, hư đốn, làm hư hỏng, đồi bại, bại hoại, suy đồi, thối, ươn v.v…

Chúng ta biết rằng, rượu lên men ủ trong hũ trong thời gian dài có thể làm cho người uống say, nhiễm độc rất mạnh. Tương tự, lậu (āsava) là pháp đã và đang bị ủ trong dòng danh uẩn (khandha) của chúng sanh từ vô thủy, tức là vòng luân hồi (saṃsāra), làm cho chúng sanh rất say và hoàn toàn quên sự giải thoát của họ.

Có bốn loại lậu (āsava):
  1. Dục lậu (kāmāsava) quyến luyến, thối nát của nhục dục trong cõi Dục, mê say chìm ngâm trong lục dục; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) phối hợp với 8 tâm căn tham (lobha mūla citta).
  2. Hữu lậu (bhavāsava) quyến luyến, dính mắc, chìm ngâm trong sự mong mỏi đến thiền sắc và thiền vô sắc cũng như sự hiện hữu trong cõi Sắc và cõi Vô sắc; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) phối hợp với 4 tâm căn tham bất tương ưng kiến (lobha mūla diṭṭhigata vippayutta citta).
  3. Tà kiến lậu (diṭṭhāsava) là chìm ngâm theo sự chấp sai v.v… 62 loại tà kiến; pháp thực tính là sở hữu tà kiến hiện diện trong 4 tâm căn tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhigata sampayutta citta).
  4. Vô minh lậu (avijjāsava) là chìm ngâm trong cách không sáng suốt, sự không biết về bốn Thánh đế, đời quá khứ, đời vị lai, cả hai đời quá khứ và đời vị lai và định luật của pháp liên quan tương sinh; pháp thực tính là sở hữu si (moha) phối hợp với 12 tâm bất thiện (akusala citta).

Lưu ý: Pháp thực tính của bốn lậu chỉ có 3, đó là tham, tà kiến, si. Ba pháp này làm cho chúng sanh say sưa một cách mạnh mẽ và lang thang trong vòng luân hồi (saṃsāra).

Bốn Bộc (ogha)

Cattāro oghā: Kāmogho bhavogho diṭṭhogho avijjogho.
Bốn pháp bộc: dục bộc, hữu bộc, tà kiến bộc và vô minh bộc.

Ogha’ nghĩa là bộc là lũ lụt, tuôn ra, chảy tràn ra, tràn ngập, dòng chảy xiết, vòng xoáy, chôn vùi, hay làm ngạt.
Như trận lũ lớn quét sạch người và súc sanh vào biển làm chôn vùi, làm ngạt và làm đắm chìm chúng, cũng thế, bốn pháp bộc (ogha) quét sạch chúng sanh, chôn vùi, làm ngạt và nhấn chìm họ trong đại dương luân hồi (saṃsāra).

Như bốn vòng xoáy lớn trong đại dương mênh mông, chúng có thể kéo xuống bất cứ chúng sanh nào vượt qua chúng và do đó rất khó vượt qua chúng.

Có những câu Pāḷi chú giải như vầy:
Avattharitvā hanantīti = oghā: Tràn ngập xâm hại chúng sanh, nên tạm gọi là bộc.
Avahananti osīdāpentīti = oghā: Làm cho chúng sanh chìm đắm, nên gọi là bộc.
Oghā viyāti = oghā: Chảy tràn, gọi là bộc lưu.

Vì có phiền não mới để lại nghiệp biệt thời (nānakkhanikakamma), hay chủng tử (bīja), vì còn nghiệp luân hồi, thì có tạo ra tâm tái tục v.v… đó là quả. Nếu tái tục rồi không đắc quả tột, thì còn phiền não để nghiệp phải luân hồi nữa.

Pháp thực tính của bốn pháp bộc (ogha) thì tợ như bốn pháp lậu (āsava).

  1. Dục bộc (kāmogha) là tuôn tràn của ham muốn nhục dục.
  2. Hữu bộc (bhavogha) là tuôn tràn của khao khát, dính mắc đến thiền và những kiếp sống trong cõi Sắc (Rūpa) và Vô sắc (Arūpa).
  3. Tà kiến bộc (diṭṭhogha) là sự chảy tràn của thấy sai.
  4. Vô minh bộc (avijjogha) là sự tuôn tràn của ngu dốt, không biết pháp đáng biết.

Bốn Phối (yoga)

Cattāro yogā: Kāmāyogo bhavayogo diṭṭhiyogo avijjāyogo.
Bốn pháp phối là: dục phối, hữu phối, tà kiến phối và vô minh phối.

Yoga’ nghĩa là sự phối hợp, hòa hợp, ghép vào, gắn bó, ràng buộc, kết dính, hay mối ràng buộc.

Con bò bị buộc vào chiếc xe không thể thoát khỏi chiếc xe. Tương tự, chúng sanh bị buộc vào cỗ máy của những kiếp sống và dính cứng vào bánh xe luân hồi qua ý nghĩa của bốn pháp phối (yoga), không thể thoát khỏi cỗ máy của những kiếp sống và vòng luân hồi (saṃsāra).

Có Pāḷi chú giải như vầy:
Vaṭṭasmiṃ satte yojentīti = yogā: Pháp nào đem chúng sanh phối hợp dính trong khổ luân hồi tức là đời khác đổi thay kiếp sống đời khác khác nữa, nên gọi là phối hay phối hợp.

Pháp thực tính của bốn pháp phối cũng tợ như pháp thực tính của bốn pháp lậu (āsava).

  1. Dục phối (kāmayoga) dính mắc, gắn chặt, quyến luyến vào nhục dục.
  2. Hữu phối (bhavayoga) quyến luyến, dính chặt vào thiền và những kiếp sống trong cõi Sắc và cõi Vô sắc.
  3. Tà kiến phối (diṭṭhiyoga) dính chặt vào sự thấy sai.
  4. Vô minh phối (avijjāyoga) dính chặt vào sự mê mờ, vào sự không biết.


 


 

← Bất Thiện Nhiếp → 4 Kết


A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung

© www.tudieu.de