A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung
www.tudieu.de

← Bất Thiện Nhiếp

4 Lậu, 4 Bộc, 4 Phối ← 4 Kết → 4 Thủ


4 Kết

(trích Triết học A Tỳ Đàm)

4 Kết

(gantha)

Chữ gantha này có nghĩa là sợi dây hay sự kết nối các phiền não sau đây được ví dụ như là những sợi dây trói chặt phàm phu.
  1. Tham Độc (abhijjhā): Là tâm sở Tham (lobha) trong 8 tâm tham (lobhamūlacitta), nói rộng là tất cả hình thức của tham ái trong tam giới.
  2. Sân Độc (vyāpāda): Là tâm sở Sân (dosa) trong 2 tâm sân (dosamūlacitta), nói rộng là tất cả hình thức bất mãn của tâm.
  3. Giới Cấm Thủ (sīlabbataparāmāsa): Là sự chấp chặt trong các tín điều không nhắm đến cứu cánh Níp-bàn và cách hành trì nằm ngoài Bát Chánh Đạo. Chi pháp là tâm sở Tà Kiến (micchādiṭṭhi) trong 4 tâm tham hợp tà (lobhamūladiṭṭhisampayuttacitta).
  4. Cực Đoan Kiến (idaṃsaccābhinivesa): Là thái độ ôm ấp những điều sai lầm hoặc khiếm khuyết rồi phủ nhận những điều mình chưa thấy, chưa biết. Chi pháp cũng là tâm sở Tà Kiến (micchādiṭṭhi) trong 4 tâm tham hợp tà (lobhamūladiṭṭhisampayuttacitta).


(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu - TL Tịnh Sự - tb.2019)

Bốn Phược

(gantha)

Cattāro ganthā: Abhijjhā kāyagantho, byāpādo kāyagantho, sīlabbataparāmāso kāyagantho, idaṃsaccābhiniveso kāyagantho.
Bốn pháp phược là: tham ác thân phược, sân độc thân phược, giới thủ thân phược và ngã kiến thân phược.

‘Gantha’ nghĩa là phược, là trói buộc, bó buộc, dây buộc hay mối ràng buộc. Bốn phược (gantha) là trạng thái gắn chặt buộc những nhóm sắc pháp và danh pháp của kiếp sống này qua những kiếp sống ở vị lai.

Có những câu Pāḷi chú giải như vầy:
Kāyaṃ ganthentīti = kāyaganthā: Trói chặt với thân danh và thân sắc, nên nói đủ là thân phược.
Kāyena kāyaṃ ganthentīti = kāyaganthā: Pháp nào buộc trói với những thân danh, thân sắc, cả hiện tại và vị lai, pháp ấy gọi là thân phược, tức là tham, sân, tà kiến.

Trong những pháp phược (gantha) sau đây, thân (kāya) được dùng với ý nghĩa nhóm hay khối, đống, hàm ý cả hai danh pháp và sắc pháp.
  1. Tham ác thân phược (abhijjhā kāyagantha) tất cả những dạng ái (taṇhā), nghĩa là trói chặt thân danh và thân sắc với 6 cảnh, làm cho tâm, sở hữu tâm và sắc như bị trói vào các cảnh; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) hiện diện trong 8 tâm căn tham (lobhamūla citta).
  2. Sân độc thân phược (vyāpāda kāyagantha) tất cả dạng sân hay xấu ác, tức là sân, giận, oán thù ràng buộc cả thân danh và thân sắc. Đó là sở hữu sân (dosa) hiện diện trong 2 tâm căn sân (dosamūla citta).
  3. Giới thủ thân phược (sīlabbataparāmāsa kāyagantha) bám chặt vào cái thấy sai rằng chúng sanh trở nên trong sạch và được giải thoát bằng cách hành theo hạnh bò và chó. Nó cũng gồm cả sự bám chặt vào những lễ nghi và nghi thức; là lo giữ giới cấm theo ngoại giáo, tức là những điều học hay những giới nào mà Phật không chế, cũng không nhìn nhận; pháp thực tính là sở hữu tà kiến (diṭṭhi) hiện diện trong 4 tâm tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhisampayuttacitta).
  4. Ngã kiến thân phược (idaṃsaccābhinivesa kāyagantha) tin vào những giáo điều mà chỉ là quan điểm riêng là thật và tất cả những gì ngoài ra đều vô ích, phù phiếm hay “chỉ có điều này là đúng”; là chấp theo tri kiến sai của mình cho là đúng hơn kẻ khác. Pháp thực tính cũng là sở hữu tà kiến (diṭṭhi) hiện diện trong 4 tâm tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhisampayuttacitta).


 


 

4 Lậu, 4 Bộc, 4 Phối ← ← Bất Thiện Nhiếp → 4 Thủ


A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung

© www.tudieu.de