A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung
www.tudieu.de

← Bất Thiện Nhiếp

4 Thủ ← 6 Triền Cái → 7 Tiềm Miên


6 Triền Cái

(nīvāraṇa)

(trích Triết học A Tỳ Đàm)

6 Triền


Trong quan điểm truyền thống thì Triền Cái được kể có 5 khi nói đến trường hợp ngăn chận thiền định (samādhi). Nhưng ở đây kể thêm một triền cái nữa là Vô Minh để nhắm đến ý nghĩa ngăn chận Tuệ quán tức trí tuệ giải thoát.
  1. Dục Cái (kāmachanda): Sự đam mê trong cảnh dục trần. Chi pháp là tâm sở Tham (lobha) trong 8 tâm tham (lobhamūlacitta).
  2. Sân Cái (vyāpāda): Tức tất cả những sự bất mãn của tâm. Chi pháp là tâm sở Sân (dosa) trong 2 tâm sân (dosamūlacitta).
  3. Hôn Thụy Cái (thīnamiddha): Tức sự lười biếng và buồn ngủ. Chi pháp là 2 tâm sở Hôn Trầm (thīna), tâm sở Thụy Miên (middha).
  4. Trạo Hối Cái (uddhaccakukkucca): Tức sự bồn chồn và cắn rứt. Chi pháp là tâm sở Phóng Dật (uddhacca) và tâm sở Hối (kukkucca).
  5. Hoài Nghi Cái (vicikicchā): Sự hoài nghi, thắc mắc hay phân vân lưỡng lự. Chi pháp là tâm sở Hoài Nghi (vicikicchā).
  6. Vô Minh Cái (avijjā): Tâm sở Si (moha) trong 12 tâm bất thiện (akusalacitta).

Hôn Thụy được kể chung vì chúng có 3 điểm giống nhau:
  1. Chức năng (kicca) là không tha thiết với công việc.
  2. Nhân sanh (hetu) là sự không khéo tác ý.
  3. Pháp đối lập (paccanika) là trạng thái thụ động của tâm, đối lập lại sự tinh tấn.

Trạo Hối được kể chung vì có 3 điểm đồng:
  1. Chức năng là sự xáo trộn nội tâm.
  2. Nhân sanh là sự thiếu điểm tựa của tâm.
  3. Pháp đối lập là sự an tĩnh của tâm.

Để hiểu thêm về các Triền Cái xin vào Tăng Chi Bộ Kinh đọc lại 5 ví dụ của Phật về 5 pháp Cái. (Tâm có Dục Cái như nước bị pha màu, tâm có Sân Cái như nước bị sôi, tâm có Hôn Thụy như nước bị rong rêu, tâm có Trạo Hối như nước bị gió thổi, tâm có Hoài Nghi như nước bị bùn sình, vẩn đục).

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu - TL Tịnh Sự - tb.2019)

Sáu Cái (nīvaraṇa)

Cha nīvaraṇāni: Kāmacchadanīvaraṇaṁ vyāpādānīvaraṇaṁ thīnamiddhanīvaraṇaṁ uddhacca-kukkuccanīvaraṇaṁ vicikicchānīvaraṇaṁ avijjānīvaraṇaṁ.
Sáu pháp cái là: dục dục cái (kāmacchandanīvaraṇa), sân độc cái (vyāpādanīvaraṇa), hôn-thùy cái (thīnamiddhanīvaraṇa), điệu-hối cái (uddhaccakukkuccanīvaraṇa), hoài nghi cái (vicikicchānīvaraṇa) và vô minh cái (avijjānīvaraṇa).

Giải:

Pháp cái (nīvaraṇa) nghĩa là ‘ngăn che, cản trở, trở ngại, ngăn cản, ngăn chặn, ngăn ngại hay chướng ngại’.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Jhānādikaṃ nivārentīti = nīvaraṇāni: Cấm ngăn sự tốt đẹp không cho sanh ra; nhứt là thiền v.v… là sáu pháp cái.

Cái (nīvaraṇa) là ngăn trở và ngăn cản sự sinh khởi của những ý thiện và nghiệp thiện như thiền (jhāna) và đạo (magga). Cho nên chúng ngăn che con đường đến thiên giới và hạnh phúc Níp-bàn.

Đặc biệt năm pháp cái (nīvaraṇa) đầu tiên làm mù quáng cái thấy của ý và ngăn che những thiện hạnh của chúng ta. Chúng ta luôn phải vật lộn với chúng bất cứ khi nào chúng ta muốn thực hiện vài nghiệp thiện dù đó là tụng kinh hay tu thiền. Chúng chen vào ngăn che, ngay cả khi chúng ta thực hành những thiện hạnh, làm cho những tâm thiện và những nghiệp thiện cũng không thể sanh.

Năm pháp cái đầu tiên là sự trở ngại chủ yếu đến sự chứng thiền, trong khi pháp cái thứ sáu, vô minh cái (avijjānīvaraṇa), là sự trở ngại chủ yếu cho tuệ sanh.

Sự hiện diện của chúng làm cho chúng ta không thể vươn tới cận định (upacāra samādhi) và an chỉ định hay an chỉ định (appanā samādhi) và không thể phân biệt rõ pháp thực tính hay siêu lý.

  1. Dục dục cái (kāmacchandanīvaraṇa) là sự khao khát, ham muốn, nhiễm đắm 5 cảnh dục, ngăn che sự tốt; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) hiện diện trong 8 tâm căn tham (lobhamūla citta).
  2. Sân độc cái (vyāpāda) là sân hận, nóng giận, hung dữ, ác độc hay xấu ác, ngăn che sự tốt; pháp thực tính là sở hữu sân (dosa) hiện diện trong 2 tâm căn sân (dosamūla citta).
  3. Hôn-thùy cái (thīna-middha) là trạng thái lười biếng và lờ đờ, buồn ngủ, ngăn che trở ngại tu tiến; pháp thực tính là sở hữu hôn trầm (thīna) và thùy miên (middha).
  4. Điệu-hối cái (uddhacca-kukkucca) là điệu cử1 và hối hận hay lo lắng, ngăn che trở ngại tu tiến; pháp thực tính là sở hữu điệu cử (uddhacca) và sở hữu hối hận (kukkucca).
  5. Hoài nghi cái (vicikicchā) là hoài nghi, nghi ngờ hay sự bối rối, không quyết tin, ngăn che trở ngại tu tiến; pháp thực tính là sở hữu hoài nghi (vicikicchā).
  6. Vô minh cái (avijjā) là không sáng suốt, mê mờ, thiếu hiểu biết theo pháp siêu lý như là uẩn, xứ v.v… cũng chặn đứng sự tu tuệ, vì cứ chấp theo thường thức là chế định; pháp thực tính là sở hữu si (moha) hiện diện trong 12 tâm bất thiện (akusala citta).

Lưu ý:
(1) Cả hai ‘hôn trầm và thùy miên’, ‘điệu cử và hối hận’ được nhóm lại với nhau vì phận sự (kicca), nhân (hetu) và pháp đối lập của chúng thì như nhau.

Phận sự của ‘hôn trầm’ và ‘thùy miên’ là băn khoăn, lo lắng, không vững vàng, là tính thụ động của danh pháp, là nguyên nhân của sự biếng nhác. Chúng là pháp đối lập với cần (vīriya).

Phận sự của ‘điệu cử’ và ‘hối hận’ là không an tâm, yên lòng, băn khoăn, lo lắng; nguyên nhân của chúng là gây phiền toái về việc mất mát tài sản, v.v… và chúng là pháp đối lập với sự an tịnh.

(2) Sự so sánh thú vị được Đức Phật nêu trong Tăng Chi bộ kinh (Aṅguttara Nikāya), dục dục cái (kāmacchandanīvaraṇa) được so sánh với nước hòa trộn với nhiều màu, sân độc cái ví như nước sôi, hôn trầm-thùy miên cái ví như nước bị rêu phủ kín, điệu-hối cái ví như gió khuấy động mặt nước làm gợn sóng, hoài nghi cái ví như nước đục và bùn lầy.

Cũng như trong nước ấy chúng sanh không thể nhận thấy bóng của chính mình, với sự hiện diện của năm danh pháp cái, chúng sanh không thể thấy rõ lợi ích của tự thân, của tha nhân, hoặc của cả hai.


 


 

4 Thủ ← ← Bất Thiện Nhiếp → 7 Tiềm Miên


A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung

© www.tudieu.de