A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung
www.tudieu.de

← Bất Thiện Nhiếp

7 Tiềm Miên ← 10 Triền Phược → 10 Phiền Não


10 Triền Phược
(saṃyojana)

(trích Triết học A Tỳ Đàm)

MƯỜI TRIỀN PHƯỢC (saṃyojana)


Là những phiền não trói buộc chúng sanh không cho ra khỏi vòng quay của các khổ. Đức Phật tùy duyên mà nhấn mạnh những phiền não nào đó trong trường hợp cần thiết. Có lúc chỉ kể phiền não có 1, có lúc là 4, 5, 6,7,10. Nhưng chung quy vẫn là chừng đó.

10 Triền Phược kể theo Kinh Tạng (suttapiṭaka):

  1. Dục Ái (kāmarāgasaṃyojana)
  2. Sắc Ái (rūparāgasaṃyojana)
  3. Vô sắc ái (arūparāgasaṃyojana)
  4. Sân (paṭighāsaṃyojana)
  5. Mạn (mānasaṃyojana)
  6. Kiến (diṭṭhisaṃyojana)
  7. Giới cấm Thủ (silabbatasaṃyojana)
  8. Hoài nghi (vicikicchāsaṃyojana)
  9. Phóng Dật (uddhaccasaṃyojana)
  10. Vô Minh (avijjāsaṃyojana)

10 Triền Phược kể theo Tạng A-tỳ-đàm (abhidhamma):

  1. Dục Ái (kāmarāgasaṃyojana)
  2. Hữu Ái (bhavarāgasaṃyojana) gồm
    1. Sắc Ái (rūparāgasaṃyojana)
    2. Vô sắc ái (arūparāgasaṃyojana)
  3. Sân (paṭighāsaṃyojana)
  4. Mạn (mānasaṃyojana)
  5. Kiến (diṭṭhisaṃyojana)
  6. Giới cấm Thủ (sīlabbatasaṃyojana)
  7. Hoài nghi (vicikicchāsaṃyojana)
  8. Ganh Tỵ (issāsaṃyojana)
  9. Bỏn xẻn (macchariyasaṃyojana)
  10. Vô Minh (avijjāsaṃyojana)

Như vậy nếu kể theo Tạng Kinh thì chi pháp của 10 Triền Phược là 7 tâm sở:
Tham, Sân, Si, Mạn, Kiến, Hoài nghi, Phóng Dật.
Nếu kể theo Tạng A-tỳ-đàm thì có 8:
Tham, Sân, Si, Mạn, Kiến, Hoài nghi, Ganh Tỵ, Bỏn Xẻn.
Gom chung cả 2 nguồn thì có 9 tâm sở.

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu - TL Tịnh Sự - tb.2019)

Mười Triền (saṃyojana)

Dasa saṁyojanāni: Kāmarāgasaṃyojanaṁ rūparāgasaṃyojanaṁ arūparāgasaṃyojanaṁ paṭighāsaṃyojanaṁ mānasaṃyojanaṁ diṭṭhisaṃyojanaṁ sīlabbataparāmāsasaṃyojanaṁ vicikicchāsaṃyojanaṁ uddhaccasaṃyojanaṁ avijjāsaṃyojanaṁ suttante.
Mười pháp triền theo Kinh: dục ái triền, sắc ái triền, vô sắc ái triền, khuể phẫn triền, ngã mạn triền, tà kiến triền, giới cấm thủ triền, hoài nghi triền, điệu cử triền và vô minh triền.

Triền (saṃyojana) nghĩa là quấn, vấn, bó, ràng, kết nối, xiềng, giam, vướng víu, quay tròn, xoay chuyển, quấn chặt chúng sanh vào bánh xe luân hồi và vòng đau khổ. Có Pāḷi chú giải như vầy:
Saṃyojenti bandhantīti = saṃyojanāni: Pháp nào quấn chặt chúng sanh, gọi là triền.

Mười pháp triền là những danh pháp bất thiện.

Mười pháp triền quấn chặt mỗi chúng sanh vào vòng luân hồi.

  1. Mười pháp triền theo tạng Kinh (Sutta Piṭaka)

    1. Dục ái triền (kāmarāgasaṃyojana) là sự ham muốn, dính mắc, bị quấn chặt vào cảnh dục, pháp thực tính là tâm sở tham hợtâm sởp với 8 tâm tham.
    2. Sắc ái triền (rūparāgasaṃyojana) là sự ham muốn, dính mắc, bị quấn chặt vào thiền sắc và cõi Sắc, pháp thực tính là tâm sở tham hợp với 4 tâm tham bất tương ưng.
    3. Vô sắc ái triền (arūparāgasaṃyojana) là sự ham muốn, dính mắc, bị quấn chặt vào thiền vô sắc và cõi Vô sắc, pháp thực tính là tâm sở tham hợp 4 tâm tham bất tương ưng.
    4. Khuể phẫn triền (paṭighāsaṃyojana) là bị quấn chặt vào sự sân hận, ác độc hay xấu ác, pháp thực tính là tâm sở sân.
    5. Ngã mạn triền (mānasaṃyojana) là bị quấn chặt vào sự kiêu hãnh, sự hãnh diện, pháp thực tính là tâm sở ngã mạn.
    6. Tà kiến triền (diṭṭhisaṃyojana) là bị quấn chặt vào những quan niệm sai, thấy sai về pháp bản thể thực tính, pháp thực tính là tâm sở tà kiến.
    7. Giới cấm thủ triền (silabbataparāmāsasaṃyojana) là bị quấn chặt, bám chặt vào quan niệm sai, bám chặt vào cái thấy sai rằng chúng sanh trở nên trong sạch và được giải thoát bằng cách hành theo hạnh bò và chó, hay sự bám chặt vào những lễ nghi và nghi thức. Pháp thực tính là tâm sở tà kiến.
    8. Hoài nghi triền (vicikicchāsaṃyojana), pháp thực tính là tâm sở hoài nghi.
    9. Điệu cử triền (uddhaccasaṃyojana), pháp thực tính là tâm sở điệu cử.
    10. Vô minh triền (avijjāsaṃyojana), pháp thực tính là tâm sở si.

    Gom gọn: Những pháp thực tính của mười pháp triền (saṃyojana) trên là tham (lobha) (cho 1, 2, 3), sân (dosa), ngã mạn (māna), tà kiến (diṭṭhi) (cho 6, 7), hoài nghi (vicikicchā), điệu cử (uddhacca) và si (moha) – tức tất cả là 7 tâm sở (cetasika).

  2. Mười pháp triền theo tạng Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma Piṭaka)
    Aparāni pi dasa saṁyojanāni: Kāmarāgasaṃyojanaṁ, bhavarāgasaṃyojanaṁ, paṭighāsaṃyojanaṁ, mānasaṃyojanaṁ, diṭṭhisaṃyojanaṁ, sīlabbataparāmāsasaṃyojanaṁ, vicikicchāsaṃyojanaṁ, issāsaṃyojanaṁ, macchariyasaṃyojanaṁ, avijjāsaṃyojanaṁ.
    Mười pháp triền nữa: dục ái triền, hữu ái triền, khuể phẫn triền, ngã mạn triền, tà kiến triền, giới cấm thủ triền , hoài nghi triền, tật đố triền, lận sắt triền và vô minh triền.
    1. Dục ái triền (kāmarāgasaṃyojana) là sự ham muốn, dính mắc, bị quấn chặt vào cảnh dục lạc.
    2. Hữu ái triền (bhavarāgasaṃyojana) là sự ham muốn, dính mắc, bị quấn chặt vào thiền sắc, vô sắc và cõi Sắc và cõi Vô sắc; pháp thực tính là tâm sở tham hiệp với tâm tham bất tương ưng sanh cho người sắc, vô sắc hay người dục giới đắc thiền sắc, vô sắc.
    3. Khuể phẫn triền (paṭighāsaṃyojana) là bị quấn chặt vào sự sân hận, thù oán, ác độc hay xấu ác.
    4. Ngã mạn triền (mānasaṃyojana) là bị quấn chặt vào sự kiêu hãnh, sự hãnh diện; cách tự thị.1
    5. Tà kiến triền (diṭṭhisaṃyojana) là bị quấn chặt vào những quan niệm sai, thấy sai về pháp bản thể thực tính.
    6. Giới cấm thủ triền (sīlabbataparāmāsasaṃyojana) là bị quấn chặt vào trì giới theo ngoại giáo.
    7. Hoài nghi triền (vicikicchāsaṃyojana) là không quyết tin những pháp đáng tin, bị hoài nghi ràng buộc, cứ miệt mài bằng cách đánh dấu hỏi với những pháp trợ duyên giải thoát.
    8. Tật đố triền (issāsaṃyojana) là sự tật đố2 quấn chặt chúng sanh.
    9. Lận sắt triền (macchariyasaṃyojana) là sự bỏn xẻn3 cũng là quấn chặt chúng sanh.
    10. Vô minh triền (avijjāsaṃyojana) là không sáng suốt hay tối tăm hoặc thiếu hiểu, mất tự do rộng rãi cao siêu, như bị quấn, quấn chặt.

Những pháp thực tính cơ bản của mười pháp triền theo Kinh (Sutta) là tham (cho 1,2,3), sân, ngã mạn, tà kiến (cho 6,7), hoài nghi, điệu cử và si – tức là 7 tâm sở tất cả.

Những pháp thực tính của mười pháp triền (saṃyojana) trên theo Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) là tham (lobha) (cho 1, 2), sân (dosa), ngã mạn (māna), tà kiến (diṭṭhi) (cho 5, 6), hoài nghi (vicikicchā), tật đố (issā), lận sắt (macchariya) và si (moha) – tức tất cả là 8 tâm sở (cetasika).

Hữu ái (bhavarāga) = sắc ái (rūparāga) + vô sắc ái (arūparāga)

Những pháp thực tính của pháp triền theo cả hai Kinh và Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) là 9 tâm sở – tức là 7 cetasika của pháp triền theo Kinh và tật đố + lận sắt.
 


 

7 Tiềm Miên ← ← Bất Thiện Nhiếp → 10 Phiền Não


A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung

© www.tudieu.de