A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung
www.tudieu.de

Điên Đảo

Thường Lạc Ngã Tịnh
Kiến Tưởng Tâm

ĐIÊN ĐẢOSỰ THẬT
ThườngVô thường - Không có cái gì để gọi là bền, là trường cửu
LạcKhổ - Tất cả là Khổ – ngay cả cái sướng cũng đều là sướng trong Khổ
NgãVô ngã - Không có cái Tôi, cái Ta
Mỹ (Tịnh)Bất Mỹ - Không có cái gì để gọi là Đẹp

Kiến điên đảo
Diṭṭhivipallāsa
tâm sở Tà kiến
Tưởng điên đảo
Saññavipallāsa
tâm sở Tưởng hợp tâm Tham Ly Tà
Tâm điên đảo
Cittavipallāsa
tâm Tham Ly Tà
ThườngPHÀMPHÀM
NgãPHÀMPHÀM
Mỹ (Tịnh)PHÀMPHÀM
SƠ QUẢ (TU ĐÀ HƯỜN)
NHỊ QUẢ (TƯ ĐÀ HÀM) - còn thấy cái đẹp
LạcPHÀMPHÀM
SƠ QUẢ (TU ĐÀ HƯỜN)
NHỊ QUẢ (TƯ ĐÀ HÀM)
TAM QUẢ (A NA HÀM) - còn thấy sự an lạc (trong Thiền)

Vipallāsasutta

Ðiên Ðảo Tưởng

Aṅguttara Nikāya 4 5. Rohitassavagga 49. Kinh Tăng Chi 4 V. Phẩm Rohitassa 4. 49.
“Cattārome, bhikkhave, saññāvipallāsā
cittavipallāsā diṭṭhivipallāsā. Katame cattāro?
Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng điên đảo,
tâm điên đảo, kiến điên đảo này. Thế nào là bốn?
Anicce, bhikkhave, niccanti
saññāvipallāso cittavipallāso diṭṭhivipallāso;
Trong vô thường, nghĩ là thường, này các Tỷ-kheo,
đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
dukkhe, bhikkhave, sukhanti
saññāvipallāso cittavipallāso diṭṭhivipallāso;
Trong khổ nghĩ là không khổ, này các Tỷ-kheo,
đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
anattani, bhikkhave, attāti
saññāvipallāso cittavipallāso diṭṭhivipallāso;
Trong vô ngã, nghĩ là ngã, này các Tỷ-kheo,
đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
asubhe, bhikkhave, subhanti
saññāvipallāso cittavipallāso diṭṭhivipallāso.
Trong không thanh tịnh, nghĩ là thanh tịnh, này các Tỷ-kheo,
đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
Ime kho, bhikkhave, cattāro saññāvipallāsā cittavipallāsā diṭṭhivipallāsā. Này các Tỷ-kheo có bốn tưởng điên đảo,
tâm điên đảo, kiến điên đảo này.
Cattārome, bhikkhave, nasaññāvipallāsā
nacittavipallāsā nadiṭṭhivipallāsā. Katame cattāro?
Này các Tỷ-kheo có bốn tưởng không điên đảo,
tâm không điên đảo, kiến không điên đảo này. Thế nào là bốn?
Anicce, bhikkhave, aniccanti
nasaññāvipallāso
nacittavipallāso nadiṭṭhivipallāso;
Trong vô thường, nghĩ là vô thường, này các Tỷ-kheo,
đó là tưởng không điên đảo,
tâm không điên đảo, kiến không điên đảo.
dukkhe, bhikkhave, dukkhanti
nasaññāvipallāso
nacittavipallāso nadiṭṭhivipallāso;
Trong khổ, nghĩ là khổ, này các Tỷ-kheo,
đó là tưởng không điên đảo,
tâm không điên đảo, kiến không điên đảo.
anattani, bhikkhave, anattāti
nasaññāvipallāso
nacittavipallāso nadiṭṭhivipallāso;
Trong vô ngã, nghĩ là vô ngã, này các Tỷ-kheo,
đó là tưởng không điên đảo,
tâm không điên đảo, kiến không điên đảo.
asubhe, bhikkhave, asubhanti
nasaññāvipallāso
nacittavipallāso nadiṭṭhivipallāso.
Trong không thanh tịnh nghĩ là không thanh tịnh, này các Tỷ-kheo,
đó là tưởng không điên đảo,
tâm không điên đảo, kiến không điên đảo.
Ime kho, bhikkhave, cattāro nasaññāvipallāsā
nacittavipallāsā nadiṭṭhivipallāsāti.
Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng không điên đảo,
tâm không điên đảo, kiến không điên đảo này.
Anicce niccasaññino, Trong vô thường, tưởng thường.
dukkhe ca sukhasaññino; Trong khổ, tưởng là lạc,
Anattani ca attāti, Trong vô ngã, tưởng ngã,
asubhe subhasaññino; Trong bất tịnh, tưởng tịnh,
Micchādiṭṭhihatā sattā, Chúng sanh đến tà kiến,
khittacittā visaññino. Tâm động, tưởng tà vọng,
Te yogayuttā mārassa, Bị ma trói buộc chặt,
ayogakkhemino janā; Không thoát khỏi ách nạn,
Sattā gacchanti saṁsāraṁ, Chúng sanh bị luân chuyển,
jātimaraṇagāmino. Trong sanh tử luân hồi.
Yadā ca buddhā lokasmiṁ, Khi chư Phật xuất hiện,
Uppajjanti pabhaṅkarā; Ở đời chói hào quang,
Te imaṁ dhammaṁ pakāsenti, Tuyên thuyết diệu pháp này,
Dukkhūpasamagāminaṁ. Ðưa đến khổ lắng dịu.
Tesaṁ sutvāna sappaññā, Nghe pháp, được trí tuệ,
sacittaṁ paccaladdhā te; Trở lại được tự tâm,
Aniccaṁ aniccato dakkhuṁ, Thấy vô thường, không thường,
dukkhamaddakkhu dukkhato. Thấy đau khổ, là khổ,
Anattani anattāti, Thấy tự ngã, không ngã,
asubhaṁ asubhataddasuṁ; Thấy bất tịnh, không tịnh,
Sammādiṭṭhisamādānā, Do hành chánh tri kiến,
sabbaṁ dukkhaṁ upaccagun”ti.Vượt qua mọi đau khổ.


Bốn pháp thiên vị (agati)

Là sự cư xử thiên lệch:

  1. Thiên vị vì thương (chandāgati)
  2. Thiên vị vì ghét (dosāgati)
  3. Thiên vị vì dốt nát (mohāgati)
  4. Thiên vị vì sợ (bhayāgati)
Bốn thứ Đạo Quả

Đạo (magga) là thánh trí đoạn trừ phiền não. Quả (phala) là thánh trí an tịnh phiền não.
Tâm đạo là nhân, tâm quả là thành quả của tâm đạo.
Đạo quả là pháp siêu thế có níp-bàn là cảnh sở tri.
Gồm bốn thứ:

  1. Đạo quả Tu-đà-huờn (Sotāpattimagga, Sotāpattiphala), hay Đạo quả dự lưu, cũng gọi là sơ đạo sơ quả.
    Bậc thánh trí này tuyệt trừ 3 kiết sử là thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ.
  2. Đạo quả Tư-đà-hàm (Sakadāgāmimagga, Sakadāgāmiphala), hay Đạo quả nhất lai, cũng gọi là Nhị đạo Nhị quả.
    Bậc thánh trí này giảm trừ 2 kiết sử là dục ái và sân.
  3. Đạo quả A-na-hàm (Anāgāmimagga, Anāgāmiphala), hay là Đạo quả bất lai, cũng gọi là Tam đạo Tam quả.
    Bậc thánh trí này tuyệt trừ 2 kiết sử đã muội lược là dục ái và sân.
  4. Đạo quả A-la-hán (Arahattamagga, Arahattaphala), hay Đạo quả ưng cúng, cũng gọi là Tứ đạo Tứ quả.
    Bậc thánh trí tuyệt trừ 5 thượng phần kiết sử là ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật và vô minh.
    Đây là bậc thánh trí cao tột, hoàn toàn giải thoát.

Chuyện đầu tiên khi tu Tứ niệm xứ là phải có chánh niệm và trí tuệ. Chánh niệm nó cho mình biết cái HOW. Có nghĩa là biết cơ thể thân tâm mình nó đang như thế nào? Nó đang đi đứng, đang nằm, ngồi, tiểu tiện, nhai nuốt, co duỗi, cầm lên, để xuống...Đó là biết cái how. Còn biết cái WHAT là biết rõ cái gì mà nó đang diễn ra. Đang đi biết là đang đi. Bực mình nó xảy ra biết rõ “ố ô đây là tâm sân, ố ô đây là ganh tị, ố ô đây là sự sợ hãi”. Biết cái đó là biết cái what. "How" là thế nào, "What" là cái gì? Nhưng đủ chưa? – Chưa!

Sẽ có một ngày khi niệm, tuệ nó đủ rồi thì tự nhiên các vị sẽ từng bước bỏ được 4 cái "điên đảo kiến" sau đây:

  1. Thường: Vạn hữu là vô thường; vậy mà có kẻ lén lén âm thầm mong đợi một cái trường cửu. Có nghĩa là có ý kiếm tìm hoặc hy vọng cái “thường” trong cái “vô thường”. Đó là điên đảo kiến thứ nhứt. Từ bên Bắc Tông là “điên đảo mộng tưởng”, mà tu tuệ quán là “viễn ly điên đảo mộng tưởng”.
  2. Lạc: Vạn hữu là bất trắc bất toàn, là đau khổ; vậy mà có kẻ dốc lòng trông mong đợi chờ đầu tư xây dựng và kiến thiết một cái lý tưởng trốn khổ tìm vui. Đây là cái điên đảo kiến thứ hai.
  3. Ngã: Vạn hữu là do các duyên lắp ráp nên, không có gì tồn tại độc lập, không có một cá thể trường tồn bất biến. Cá thể là đã không có rồi, bởi tất cả đều là transitinal lắp ráp, composition, giả hợp chứ không có thật. Không có một cá thể đơn thuần, thuần túy. Như giọt nước (drop), drop là số ít. Nhưng theo trong Phật pháp không có cái nào là giọt nước. Mà nó là sự tổng hợp, sự gặp gỡ của nhiều thứ hóa chất ở trong một giọt nước, nó mới làm nên một giọt nước. Một hạt bụi li ti bay trong gió thì nó cũng không phải là một, mà nó có vô số thành tố, điều kiện nhân duyên để hạt bụi đó thành tựu. Như vậy ở đây toàn đồ ráp. Tất cả mọi cá thể đều không có thì làm gì có một CÁI TÔI? Cái tôi là cái “một” mà đàng này không có. Thứ nhứt là mọi thứ là lắp ráp. Thứ hai, mọi thứ do duyên mà có. Thứ ba, mà đã có rồi thì cũng do duyên mà mất đi. Như vậy trong một thế giới vô ngã mà ráng đi tìm môt cái “ tôi”, một cái “của tôi”, một cái “thuộc về tôi”, thì đó là điên đảo kiến thứ ba.
  4. Tịnh là điên đảo kiến thứ tư, là đi tìm "cái đẹp" trong thế giới "không có đẹp xấu".
Bên Bắc truyền gọi là 4 cái này là "thường lạc ngã tịnh" và họ có nhiều cách diễn giải tôi không muốn bàn ở đây. Đó là chuyện tế nhị, nhạy cảm. Tôi chỉ muốn nói mấy bản Hán tạng dịch là “thường lạc ngã tịnh”. Nhưng chữ “tịnh” ở đây tôi đã nói một tỷ lần rồi. Họ dịch chữ “tịnh” này là do khuynh hướng hồi xưa ở các dịch trường có những vị du học ở Ấn Độ về cực giỏi tiếng Hán. Nhưng cũng có những vị du học Ấn về cực giỏi tiếng Phạn. Rồi họ dạy cho lớp truyền thừa tại Trung Quốc, mà lớp này dĩ nhiên không giỏi bằng sư phụ. Để thúc đẩy tiến độ, tốc độ dịch Kinh cho lẹ, họ áp dụng một cách rất khoa học, nhưng hơi cứng ngắc. Đó là mỗi chữ Phạn như vậy họ chọn ra nghĩa nào mà nó phổ biến nhất, lấy cái nghĩa đó làm nghĩa qui định. Nghĩa là cứ hễ chạm tới chữ đó là cả một dịch trường, ông này dịch Pháp Hoa, ông kia dịch Lăng Nghiêm, Lăng Già, Kim cang, Trung Quán, Câu Xá, Trí Độ,...là tất cả cứ thấy chữ pañña là cứ phang vô “tuệ”tới, cứ thấy guṇa là quất “ân đức”, thấy subha thì dịch là “tịnh”. Cứ như vậy. Trong khi chữ “subha” và chữ “sobhana” đều cùng một nghĩa là “sạch, đẹp”. Trong tiếng Thái có chữ “saath” và tiếng Việt có chữ “sạch” là có cùng một gốc. Trong tiếng KhMer cũng có chữ “saạp” cũng nghĩa là “đẹp”, rất là thú vị! Thì chữ subha có hai nghĩa là “sạch”, “đẹp”. Nhưng các dịch trường thỏa thuận với nhau hễ thấy “subha” là phang tới chữ “tịnh” cho dễ nhớ. Cho nên "thường" là nicca (Pali), "lạc" là sukkha, "ngã" là atta, còn "tịnh" thì subha hai bên giống nhau. Thì cứ vậy từ đó mới ra khái niệm “thường lạc ngã tịnh”.

Thực ra trong chú giải Nam truyền Pali ghi rất rõ chữ “subha” này là “đẹp”. Vì sao? Vì khái niệm “sạch” nó hạn chế lắm. Sạch nó chỉ đối với cái dơ, trong khi cái đẹp nó bao trùm luôn cả cái sạch. Thí dụ một bài hát đẹp, một ca từ đẹp, một nghĩa cử, một nụ hoa, một nhân cách, bầu trời, một ngày đẹp, cuộc tình đẹp... Mình thấy chữ “đẹp” này xài cho rất nhiều trường hợp vật chất lẫn tinh thần. Thực ra mà nói chữ “sạch”, thì mức hấp dẫn của chữ “sạch” cũng không bằng chữ “đẹp”. Cho nên căn cứ theo văn hóa, ngôn ngữ VN, và cũng căn cứ theo sớ giải Pali thì chữ “subha” này nên dịch là “mỹ”: “thường lạc ngã mỹ” chớ không phải “thường lạc ngã tịnh”. Nên nhớ cái câu này!

Thì điên đảo kiến thứ nhứt là đi kiếm, tìm, xây dựng cái “thường tại” trong cái “vô thường”. Thứ hai là đi đầu tư kiến thiết xây dựng cái "hạnh phúc" trong cõi "đau khổ". Thứ ba là hy vọng, đầu tư, kiến thiết một "cái tôi, của tôi, thuộc về tôi" trong cõi đời "vô ngã". Thứ tư là đi tìm "cái đẹp" trong thế giới "không có đẹp xấu". Chỗ này định nghĩa hơi khó, không thể nói đi tìm “cái đẹp trong thế giới không đẹp” mà phải là “thế giới không đẹp xấu”. Bởi vì cái “đẹp xấu” là một giả niệm, vọng niệm, không có thật.

Trích bài Dọn phòng - Sư Giác Nguyên giảng (11/01/2020)
Kalama tri ân bạn buithibuukim ghi chép.


A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung

© www.tudieu.de