A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung
www.tudieu.de

Giảng Về Kiếp - Kappa Kathā

Hòa thượng GIỚI NGHIÊM THITASĪLO
(www.budsas.org)
  1. LỜI TỰA
  2. KAPPA
  3. TỨ ĐẠI CHÂU
  4. KHETTA
  5. KIẾP THÀNH
  6. THẬP ÁC
  7. PHỤ BẢN

3 : TỨ ĐẠI CHÂU

TỨ ĐẠI CHÂU

1. Jambūdvīpa: Nam-Thiệm-Bộ châu, ở phía Nam núi Tu-Di, có cây Jambū (cây trâm) thường trực của cõi, người trong châu ấy nuôi mạng bằng nông nghiệp, thương nghiệp v.v... phụ nữ thụ thai phải 9 hoặc 10 tháng mới sanh ra con trai, con gái.

2. Uttara kurudvīpa: Bắc-Câu-Lư châu, ở phía bắc núi Tu-Di có cây kappa (Như-ý-thọ) thường trực của cõi. Người ở trong châu ấy khỏi bận làm nông nghiệp, thương nghiệp v.v... muốn vật chi, muốn ưng ăn món gì, thực phẩm cách nào thì đi đến cây kappa thì được như ý nguyện. Phụ nữ thụ thai 7 tháng thì sanh con, hài nhi trai hoặc gái sanh ra 7 ngày là biết đi biết chạy.

3. Aparagoyānīdvīpa: Tây-Ngưu-Hóa châu ở phía tây núi Tu-Di có Kadumba (ngọc Như-ý-châu) thường trực của cõi. Người ở trong châu ấy không bận với nghề nghiệp nông-tang đâu, bởi vì có viên ngọc làm cho thành tựu như ý.

4. Pubbavidehadvīpa: Đông-Thắng-Thần châu ở phía đông núi Tu-Di, có cây Sirīsa thường trực của cõi. Người ở trong châu nầy không cực nhọc phải làm nông nghiệp, thương nghiệp v.v... bởi vì có một cây tức là cái bảo diện kết thành bằng bảy thứ ngọc, cao 15 do tuần, làm cho thành tựu ý như tất cả ý nguyện của mọi người.

Trong bốn châu ấy, tất cả chư Phật không khi nào giáng sanh ba châu kia, mà chỉ đản sanh trong Nam-Thiệm Bộ châu thôi, bởi vì cả ba châu ấy là nơi để cho chúng sanh thọ hưởng quả thanh-hạnh pháp, không phải là nơi để tạo thanh-hạnh pháp, như Nam châu nầy đâu.

Trong châu Jambu có núi Hy-Mã-Lạp-Sơn (Himalaya) cao 500 do tuần, bề ngang và bề dọc tới 3.000 do tuần;

Bề cao, to của Đại-Thọ thường trực bốn châu và các cõi như vầy:

- Cây Jambū (cây trâm) trong Nam-Thiện-Bộ Châu.
- Cây Kappa (cây như ý thọ) trong Bắc-Câu-Lư châu.
- Cây Kadamba trong Tây-Ngưu-Hóa châu.
- Cây Sirīsa trong Đông-Thắng-Thần châu.
- Cây Paricchitta trên cõi Đạo-Lợi Thiên.
- Cây Pātalī của nhóm A-Tu-La.
- Cây Simbalī (cây chông) của Đại Bàng (Garuda).

Tất cả cây đó toàn là đại thọ chúa của loài cây, vẫn sống trọn một kappa (kiếp của trái đất).

Sự to và cao bằng nhau cả, là thân cây chung quanh chừng 15 do tuần, bề dài của cây và bề dài của nhánh chừng 50 do tuần, thế là toàn cây từ gốc đến ngọn 100 do tuần.

Chu vi của bốn châu như vầy:

- Nam-Thiện-Bộ châu, cõi trời Đao-Lợi, cõi A-Tu-La, cõi địa ngục A-Tỳ, chu vi một vạn do tuần giống nhau.

- Tây-Ngưu-Hóa châu và Đông-Thắng-Thần châu, chu vi hai ngàn do tuần.

- Bắc-Câu-Lư châu, chu vi tám ngàn do tuần.



Cả Tứ-Đại châu nầy mỗi cái đều có 5 trăm châu nhỏ phụ tùng, chung ở trong một cõi sa-bà thế giới. Chung quanh cõi sa-bà có núi lớn dài bao bọc. Núi ấy mọc chân sâu vào trong biển cả, đến tám vạn hai ngàn do tuần. Cao lên trên cũng 8 vạn 2 ngày do tuần vậy.

Giải rõ tiếng Lokadhātu (Thế-giới) và tiếng Cakkavāla (Sa-bà) là tiếng chỉ khác nghĩa đó thôi nhưng có thể gọi chung là thế giới sa-bà.

Trong mỗi một cõi thế giới sa-bà, có Tứ-Đại châu và 500 châu nhỏ, có một quả núi Tu-Di, có Thất-Trùng sơn, có 6 tầng trời Dục-giới, có 16 tầng Phạm-thiên hữu-sắc và 4 tầng Phạm-thiên vô-sắc, có cõi người và cõi địa ngục, ngạ-quỉ, súc sanh, A-tu-la, có mặt trời và mặt trăng.

Mặt trời chu vi 50 do tuần, mặt trăng chu vi 49 do tuần, là bảo điện của vị trời Suriya và vị trời Canda. Pháp hành thế gian cấu tạo lên để soi sáng cho cõi đời, theo thường lệ là đi quanh núi Tu-Di. Mặt trời trong một ngày một đêm đi quanh một vòng giáp núi Tu-Di. Mặt trăng đi một tháng mới giáp một vòng núi Tu-Di sơn.

Gồm các vật phụ tùng như đã kể, gọi là một cõi Lokadhātu hoặc Cakkavāla thế giới sa-bà ấy có nhiều vô số chẳng phải chỉ có một cõi đâu.

Gồm tất cả cõi thế hoặc sa-bà thế giới, gọi là hư-không thế giới (Okāsaloka).

Hư không thế giới sẽ chia theo quốc độ của Phật thấu triệt nữa như sau đây.

Buddhakkhetta



Phật quốc độ có 3 là:

1. Jātikhetta: Sanh quốc độ, nghĩa là một vị Bồ-Tát sắp thành Phật trong kiếp chót, khi giáng sanh vào lòng mẹ, hoặc giờ phút đản sanh ra đời v.v... sẽ do phước đức phi thường của Ngài, khiến cho một vạn cõi sa-bà thế giới thảy đều rung động.

2. Ānākhetta: Oai lực quốc độ, nghĩa là một vị Phật Chánh-Đẳng Chánh-Giác thuyết về lời cầu nguyện Ratana paritta, Khandha paritta, Dhayagga paritta, Ātānatiya paritta, Mara paritta... do năng lực kinh Paritta sẽ có phước đức phi thường tức là lời cầu nguyện của Đức Phật khiến cho một ức koti thế giới sa-bà (100 ngàn koti cõi sa-bà), thảy đều rung động.

3. Visayakhetta: Trình độ quốc độ, nghĩa là năng lực về trí tuệ của một vị Phật Toàn-Giác sẽ chiếu khắp đến vô số sa-bà thế giới luôn cả vô hư không thế giới, tuệ-giác của Ngài thông suốt chẳng có nơi cùng tận, cần rõ điều gì, nguyên nhân nào, thì hiểu trọn vẹn y như ý nguyện, không bị một vật chi ngăn ngại.

Trong ba Phật quốc độ nầy trừ điều trình độ quốc độ ra bởi vì theo thường lệ với cái trình độ tuệ-giác của mỗi vị Phật tổ.

Riêng về sanh quốc độ và oai lực quốc độ thì có một ức koti cõi sa-bà thế giới ấy, là quốc độ của một vị Phật toàn-giác, bởi Ngài sẽ hóa độ chúng sanh trong đó.

Cả một ức koti sa-bà thế giới ấy, pháp hành của vũ trụ (Sankhāra loka) cấu tạo lên một thời kỳ, an trụ cũng giống nhau, tiến hóa cũng đồng thời với nhau, như có giải trong bộ Thanh-Tịnh-Đạo ở đoạn Abhinnaniddesa rằng:

Evametesu tisu Buddhakkhattesu ekam anakhettam vinassati. Tasmiṃ pana vinassente jatikke tampi vīnaṭṭha-meva hotu. Vinassantañca ekatevavinassanti saṇthahantam-pīikato va santhahati. Tassavaṃ vināse ca saṇthahanañca veditabbaṃ.

Nghĩa là trong cả ba Phật quốc độ đó, thì oai lực quốc độ bị hoại, hễ khi oai lực quốc độ bị hoại, thì sanh quốc độ cũng bị hư hoại giống nhau vậy.

Sanh quốc độ, khi hoại cũng đồng hoại với oai lực quốc độ, khi trụ cũng giống như oai lực quốc độ vậy.

Thế là sự trụ kiếp hoặc sự trụ kiếp của jātikhettaanākhetta, các thức giả nên hiểu như thế ấy.

Ngay nơi Duddhakkhetta nầy, phần nhiều có ý hiểu khác nhau.

Có kẻ hiểu rằng: Trong cõi hư không thế giới mà có bầu không khí to rộng thênh thang nầy, chỉ có một ức koti cõi sa-bà thế giới thôi. Lâu lâu mới có vị Phật tổ ra đời, không có luôn luôn mỗi ngày mỗi tháng, mỗi năm đâu, bởi vì không có cõi sa-bà thế giới, nhiều hơn con số một ức koti ấy nữa đâu.

Có kẻ khác hiểu rằng: Trong cõi hư không thế giới có bầu không khí to rộng thênh thang nầy, không phải chỉ có một ức koti cõi sa-bà thế giới thôi, nghĩa là có vô số ức koti cõi, kể không hết, có Phật đắc đạo hằng ngày không hở, là nếu trong một ức koti cõi thế nầy, Đức Phật Niếp-Bàn, thì có một ức koti cõi thế nọ có Đức Phật đang giác ngộ, một ức koti cõi thế kia có Bồ-Tát đang đầu thai (gần thành Phật) hoặc nhiều ức koti cõi thế khác, có các vị Phật đang đắc đạo, đang độ sanh, đang nhập Niết-Bàn v.v... lại cũng có một ức koti cõi thế khác đang tiêu hoại, hoặc có một ức koti cõi thế khác đang thời tiến hóa.

Cả hai lẽ hiểu nầy khỏi phải phân biệt bên nào trúng bên nào trật, chỉ là đem đủ nhân và quả chỉ dẫn giúp cho tri kiến, rồi tùy nơi Phật tử khi xem qua quyển kinh nầy tự phân biệt lấy, nếu thấy bên nào nói đúng nhân quả hơn thì bên ấy đúng chắc chắn.


KAPPA ←Kappa Kathā→ KHETTA


A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung

© www.tudieu.de