A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung
www.tudieu.de

Giảng Về Kiếp - Kappa Kathā

Hòa thượng GIỚI NGHIÊM THITASĪLO
(www.budsas.org)
  1. LỜI TỰA
  2. KAPPA
  3. TỨ ĐẠI CHÂU
  4. KHETTA
  5. KIẾP THÀNH
  6. THẬP ÁC
  7. PHỤ BẢN

4 : KHETTA

KHETTA

Phật quốc độ có ba là: Jātikhetta, Ānākhetta, Visaya-khetta.

Khetta là tiếng Magadha, nghĩa là: ruộng, tỉnh, vị trí, biên cương, quốc độ, nghĩa là phần cõi đất, phần cõi thế, mà người ta phân chia từng khoảng, có biên giới do ấn định quốc độ hoặc do ấn định thế giới, để phân biệt đừng cho lẫn lộn nhau, bởi vì có nhiều chứ không phải chỉ một cõi.

* Phật quốc độ thứ nhất là Jātikhetta chỉ có nhất định một vạn cõi thế. Khi Đức Phật mới đản sanh, thành đạo v.v... ngay trong cõi thế gian nào, thì trọn một vạn cõi gần đây thảy đều rung động mà thôi, không rung động đến các thế giới khác ngoài số ấy.

* Phật quốc độ thứ hai là Ānākhetta, chỉ có nhứt định ức koti cõi thế. Đức Phật thuyết kinh cầu an về Ratana paritta, Khandha parita v.v... trong thế giới nào, thì trọn một ức koti những cõi ấy thảy đều rung động mà thôi, không rung động đến các thế giới khác ngoài số ấy.

Bởi thế nào cho nên Phật quốc độ thứ hai là Ānākhetta có sự nhất định vị trí một ức koti cõi như thế, có nhiều cõi thế hơn số ấy nữa sao? Hay là không có? Nếu không có thì tại sao lại có số nhất định, có biên cương (khetta) mà không nói cả thảy đi một cái cho khỏe? Bởi cớ Ānākhetta nầy nói ngay về những cõi thế giới hiện tại, chẳng phải nói đến các thế giới đã qua đâu.

Okāsa loka: Hư không thế giới, cái bầu không khí to rộng thênh thang vô cùng vô tận, kiếm chỗ cuối cùng không thấy. Dù cho Phật tuệ cũng không thấy vậy. Nếu đã to rộng như thế nầy thì nhiều ức koti thế giới cũng không chật bầu không khí kia được. Cả ba điều nầy là giúp cho tri kiến, hãy nhận định theo cách nầy đi.

Sự diễn giải đến đây là phân tách cho thấy rõ tiếng kappa (kiếp) bởi tiếng kiếp nầy là tên của tuổi thọ quả đất, tên của tuổi thọ cõi sa-bà thế giới hoặc của hư không thế giới. Mỗi ức koti cõi sa-bà thế giới là quốc độ của mỗi vị Phật tổ, Sankhāra cấu tạo lên trong một thời với nhau, bị tiêu hoại cũng đồng thời với nhau, nếu tính từ khi cấu sanh lên cho đến khi tiêu hoại thì nhiều năm lắm, đến một, mười, một trăm, ngàn, vạn, ức, triệu, luôn đến A-tăng-kỳ cũng không hết, bởi vì cõi sa-bà thế giới nầy có tuổi thọ dài lắm, cho nên các hạng trí tuệ, nhất là Đức Phật định danh là kiếp (kappa) nghĩa là cõi sa-bà có tuổi thọ một kappa mới tiêu hoại.

Trong bộ Samyutta nikāya ngay nơi phẩm Tina kattha có ý nghĩa dạy rằng: Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự gần thành Savatthī, có một vị Tỳ khưu vào hầu và phục bạch hỏi như vầy: Bạch Đức Thế Tôn, Kappa có thời gian bao lâu?

Đức Thế Tôn đáp rằng: Dīgho kho bhikkhu kappa so na sukaro sankhatuṃ ettakani vassani iti vā ettakani vassatani iti va ettakani vassasahassāni iti va ettakani vassasatasahassāhi iti:

Nầy Tỳ khưu, kappa có thời hạn lâu lắm. Kappa không dễ gì đếm rằng: bao nhiêu năm, bao nhiên ngàn năm, hoặc bao nhiêu ức năm, bao nhiêu triệu năm v.v... được đâu.

Thầy Tỳ khưu bạch hỏi nữa rằng: vậy Đức Thế Tôn ví dụ được không?

Phật phán rằng: Có thể ví dụ được, rồi Ngài thuyết kệ ngôn như vầy:

Seyyathāpi bhikkhu mahāseho pabbato yojanaṃ, āyā-mena yojanaṃ vithārena yojanaṃ ubbedhena, acchiddo asusiro ekaghano tamenaṃ puriso, vassasatassa, vassasa-tassa accayena kasikena, va’thena sakiṃ sakiṃ parimajjeyya khippataraṃ khoso, bhikkhu mahāseso pabbato imina upakkamena parikkhayaṃ, payādānaṃgaccheyya na tveva kappo evaṃ dīgho kho bhikkhu kappo.

Nầy Tỳ khưu! Ví như một tảng đá to bề dọc một do tuần, bề ngang một do tuần, bề cao một do tuần, không lủng, không bộng, là đá đặc ruột, trải qua mỗi một trăm năm, có một người cầm vải Kasika (mỏng) lại lau cái núi đá một lần: Nầy Tỳ khưu! Hòn núi đá lớn kia, mãi cho đến khi mòn hết, do sự cố gắng nầy, còn mau hơn, song kiếp (kappa) vẫn chưa hết. Nầy Tỳ khưu, kappa có thời gian lâu như thế đó.

Trong khoảng thời gian sau có một vị Tỳ khưu vào hầu và bạch hỏi như trước nữa.

Đức Thế Tôn đáp như vầy:

Seyyathāpi bhikkhu āyasaṃ nagaraṃ, yojanaṃ āyā-mena yojanaṃ vittharena yojanaṃ ubbedhena puṇṇaṃ, sāsapānaṃ gulikā bandhaṃ tato puriso vassasatassa, vassa-satassa accayena ekametaṃ sasapaṃ uddhareyya khippa-taraṃ kho so bhikkhu mahāsāsaparāsi iminā, upakkamena parikkhayaṃ pariyādānaṃ gaccheyya na tveva, evaṃ dīgho kho bhikkhu kappo.

Nầy Tỳ khưu! Ví dường như cái thành trì, bao bằng thành lủy, bề dài một do tuần, bề ngang một do tuần, bề cao cũng một do tuần, đựng đầy những hột cải, là cái thành trì mà họ đậy bằng đất sét, trải qua mỗi một trăm năm, có một người đến lấy bỏ ra một hột cải khỏi đống ấy, nầy Tỳ khưu, cái đống hột cải kia mãi cho đến khi hết sạch, do sự cố gắng này còn mau hơn, song kappa vẫn chưa hết, nầy Tỳ khưu, kappa có một thời gian lâu như thế đó.

Kappa nầy chia ra làm nhiều cách nữa, như chia làm hai, làm ba, làm bốn, làm sáu.

Chia làm hai là:

1. Saṃvaṭṭa kappa: Hoại kiếp.

2. Vivaṭṭa kappa: Kiếp trước hóa thành.

Chia làm bốn là:

1. Tejo saṃvaṭṭa kappa: Kiếp hoại do lửa.

2. Antarā kappa: Nhất định theo tuổi thọ tăng và giảm của nhân loại, nghĩa là tuổi thọ tăng lên một A-tăng-kỳ, rồi giảm xuống còn 10 tuổi là thượng thọ. Xuống rồi tăng lên mỗi lần như thế gọi là một Antarā kiếp.

3. Asaṃkheyya kappa: A-tăng-kỳ kiếp, là nhất định lấy 64 kiếp Antara gọi là một A-tăng-kỳ kiếp.

4. Mahākappa: Đại kiếp, nhất định lấy bốn A-tăng-kỳ kiếp gọi là một đại kiếp.



Chia làm bốn nữa là:

1. Saṃ vaṭṭa kappa: Hoại kiếp, là tính từ khi trái đất bị hoại cho đến ngày tiêu hết.

2. Saṃ vaṭṭatthāyi kappa: Không kiếp là bắt đầu từ khi tiêu hoại hết, cho đến khi cơ cấu lại nữa.

3. Vivaṭṭa kappa: Thành kiếp, là kể từ khi kiếp sanh lên cho đến khi có mặt trời, mặt trăng.

4. Vivaṭṭatthayi kappa: Trụ kiếp, kể từ khi có mặt trời, mặt trăng phát hiện cho đến khi bắt đầu bị tiêu hoại.

Chia làm sáu là:

1. Sāra kappa: Kiếp có một vị Phật tổ giác ngộ.

2. Maṇḍa kappa: Kiếp có hai vị Phật tổ giác ngộ.

3. Vara kappa: Kiếp có ba vị Phật tổ giác ngộ.

4. Sāramaṃda kappa: Kiếp có bốn vị Phật tổ giác ngộ.

5. Bhadda kappa: Kiếp có năm vị Phật tổ giác ngộ.

6. Suñña kappa: Kiếp không có Phật tổ giác ngộ.

Giảng giải về kiếp hoại:


Kiếp hoại theo ba cách là:

1. Hoại bằng lửa cháy. Khi cả một ức koti cõi sa-bà thế giới đủ tuổi một kiếp rồi, thì lửa cháy tiêu hoại tất cả thế giới ấy.

Trước khi lửa cháy có mưa to rơi xuống, trong khắp một ức koti thế giới, tất cả mọi người rủ nhau rải, gieo các thứ giống, đến khi mọc lên chừng bò ăn được thì không sa mưa xuống nữa, cả hằng nhiều vạn năm, chúng sanh có nghiệp nhẹ nhàng, chết rồi được sanh lên cõi trời Phạm-Thiên cả thảy, chỉ còn chúng sanh nào có ác nghiệp thì vẫn bị đọa đày, đến một thời gian lâu, các chỗ nước đọng cũng khô hết, mọi loài như cá, tôm, cua, rùa đều chết sạch. Chúng sanh địa ngục (chúng sanh địa ngục chết trong khi 7 mặt trời mọc lên) và loài bàn-sanh hoặc loài người, sau khi chết, được sanh lên cõi trời Dục-Giới, cố tinh tấn tham-thiền trong cõi trời cho đắc định, khi chết được sanh lên cõi trời Phạm-Thiên Sắc-Giới cả.

Thật ra một ức năm trước khi lửa bắt đầu cháy, có một vị trời tên Loka Byūhā, từ cung trời giáng xuống, biến thành ra người mặc y phục đỏ, thả tóc xả, cái mặt tràn trề cả nước mắt, lau nước mắt và đi theo các nẽo đường phố cáo rằng: các người chỉ còn một ức năm nữa cõi trời sẽ bị tiêu hoại, nước biển sẽ khô, quả đất, núi Tu-Di, cõi trời, cõi Phạm-Thiên (thấp) đều phải tiêu hoại. Các ngươi hãy cố tham-thiền, rải tâm từ-bi và cố gắng hầu hạ phụng dưỡng cha mẹ bằng cách cung kính.

Trong khi ấy các người thiện trí thức nghe lời chư thiên rồi thì phát sanh kinh cảm trước, vội vã cố tinh tấn lo làm phước bố thí, phụng dưỡng cha mẹ, không dám dễ duôi, khi chết đều được sanh lên cõi trời, ráng tham thiền trong cõi trời đắc định, đến khi chết được sanh lên cõi trời Phạm-Thiên, khỏi thọ khổ lâu dài như các người Phi-tịnh giả.



Trong bộ Visuddhimagga dạy rằng:

Vassupacchedate pana uddhaṃ dīghassa addhuno accayena dutiyo suriyo pātu bhavati...

Nghĩa: Kể từ khi dứt mưa, trải qua một thời gian lâu, có mặt trời thứ hai mọc lên rõ rệt. Khi trong thế gian có hai mặt trời thì ngày và đêm không phân biệt. Một mặt trời mọc thì mặt kia lặng, trong thế gian có sự nóng nảy do mặt trời luôn khi.

Trong thời kỳ trước khi mặt trời chưa làm cho kappa tiêu hoại đó, vị trời Suriya hằng ở trong cái bảo điện, đến khi mặt trời làm cho cõi thế bị tiêu hoại, thì cái bảo điện ấy không có chư thiên ở nữa.

Mặt trời mới, mọc có sắc nóng thái quá, mây mù gì trên hư không đều tiêu mất hết, nên hư-không chẳng có chi ngăn ngại.

Khi cả hai mặt trời đua nhau mọc thì nước ở trong các ngòi, rãnh nhỏ đều khô hết.

Một thời gian lâu nữa, mặt trời thứ ba mọc lên thì nước trong các sông khô hết.

Một thời gian lâu nữa, mặt trời thứ tư mọc lên thì nước trong cả hồ lớn, nhất là hồ Anotattā cũng khô hết.

Một thời gian lâu nữa, mặt trời thứ năm mọc lên thì nước ở trong đại-hải cũng khô hết, trong cả toàn cõi thế-gian không có một nhiễu nước.

Một thời gian lâu nữa, mặt trời thứ sáu mọc lên, cả một ức koti cõi sa-bà có bụi trần phải phủi lên và có nhựa của trái đất chảy ra.

Một thời gian lâu nữa, mặt trời thứ bảy mọc lên, cả một ức koti trong cõi sa-bà có một ngọn lửa cháy hỏa-hào, cháy tiêu các núi bề cao chừng một do tuần, rồi lần đến núi Tu-Di làm cho tiêu hoại mất hết. Ngọn lửa ấy nhập lại cháy cõi Tứ-Đại-Thiên-Vương, cõi trời Đao-Lợi, cõi Dạ-Ma, cõi Đâu-Suất-Đà, cõi Hóa-Lạc, cõi Tha-Hóa-Tự-Tại và cháy các tầng trời Phạm-Thiên dưới, đến cõi Quang-Âm thiên (Abhassata).

Sa yava aṇu mattampi saṅkhāragataṃ atthi tāvana nibbā yati: Ngọn lửa ấy nếu các vật bị cháy hãy còn thì cũng chưa tắt, cháy cho đến không còn dư tro, bụi mới tắt, ví như lửa cháy dầu ở phía dưới là không khí, phía trên cũng là không khí giống nhau cả thành một khối tối thênh thang mờ mịt.

2. Tiêu hoại do nước. Khi Lokadhātu hoặc là sa-bà thế giới, đủ tuổi thọ một kappa, thì bị tiêu hoại. Sự tiêu hoại bằng nước, hành trình cũng giống như hoại bằng lửa vậy, chỉ khác nhau như thế nầy: Bầu trời làm cho mưa toàn thủy, rơi xuống trong cả một ức koti cõi sa-bà thế giới, các vật liệu như núi, đồi v.v... khi đụng phải nước rồi, thì bị rả tan cả, nước toan ấy có gió thổi nâng đở chung quanh, làm tan rả các núi đồi ở dưới xong rồi, làm tan sáu tầng trời Dục-Giới, và nhiều tầng trời Phạm-Thiên nữa, đến cõi gọi là Biến-Tịnh-Thiên (Subhakinhā).

Nước toan ấy khô đi, các vật liệu như núi rừng bị tiêu tan theo nước... cũng ví như muối mà người ta bỏ vào nước vậy. Tiêu mất không còn dư chút ít gì cả.

Ở dưới là không khí, phía trên cũng là không khí giống nhau, thành một khối tối mênh mông.

3. Tiêu hoại do gió. Khi Lokathātu trong cõi thế giới sa-bà đủ tuổi thọ một kappa, thì bị tiêu hoại. Sự tiêu hoại bằng gió, hành trình cũng giống như hoại bằng lửa vậy, chỉ khác nhau như thế nầy: Bầu trời làm cho gió bảo lớn phát khỏi lên, thổi bụi lên cho bay lên hư-không mất cả, rồi thổi bưng cả cát, đất, sạn, sỏi, đá, cây, núi va chạm nhau và bay lên trên không hư hoại cả, không dư sót một món gì, kế thổi tan quả đất, cõi trời Dục-Giới, cõi trời Phạm-Thiên, luôn đến tầng gọi là Quảng-Quả Thiên (Vehapphalā), làm cho tiêu tan hết, chẳng còn dư sót tí nào cả. Gió hết trơn rồi ở dưới là không khí, phía trên cũng là không khí giống nhau, thành một khối thênh thang.

Kiếp hoại do ba thể cách như đã giải đây, cả ba thể cách nầy không phải thay đổi nhau mà tiêu hoại mỗi lần một món đâu, nghĩa là hoại bằng cách thức như vầy:

Hoại do lửa 7 lần, hoại do nước một lần, hoại do lửa và nước như thế nầy đến 63 lần mới hoại do gió một lần.

Đây là lệ thường của sự hoại kiếp.

Trong bộ Visuddhimagga có nói về nhân khiến cho hoại như vầy:
Akusala Mūlesu hi ussannesu evaṃ loko vinassati. So ca kho rāge ussannatare agginā vinassati dose ussannatare udakena vinassanti. Keci pana dese ussan-natare. Āgginā rāge ussanatare udākenāti vadanti. Mohe ussannatare vatena vinassati.

Nghĩa là: Kế khi cả ba ác căn là: Tham-luyến, sân-hận, si-mê dày (nhiều) lên rồi, thì cõi thế sẽ hoại bằng ba cách trên: cõi thế gian nào có sự tham luyến dày hơn, thì bị hoại bằng lửa, nếu sân hận dày hơn, thì bị hoại bằng nước, nếu si-mê dày hơn, thì bị hoại bằng gió.

Riêng về Keci Ākāriya giải rằng: Nếu có sân nhiều hơn thì bị hoại bằng lửa, nếu có tham luyến nhiều hơn thì hoại bằng nước, nếu có si-mê nhiều hơn, thì bị hoại bằng gió.



TỨ ĐẠI CHÂU ←Kappa Kathā→ KIẾP THÀNH


A Tỳ Đàm - Lớp Zoom với Trung

© www.tudieu.de